Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, năm 2007 đã có gần 200 doanh nghiệp bị kiểm tra và xử phạt vì có hành vi vi phạm môi trường. Đến năm 2008, con số này tăng lên hơn 500 doanh nghiệp. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, đã có hơn 200 doanh nghiệp bị kiểm tra và xử phạt vì những hành vi trên. Thế nhưng đây chỉ mới là kết quả kiểm tra xử lý doanh nghiệp vi phạm chất lượng xả thải cuối nguồn. Còn chất lượng xả thải ở đầu nguồn thải thì cho đến nay, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đầu tư và xử lý đúng mức.
Khảo sát môi trường sản xuất do Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM tiến hành tại một số doanh nghiệp thuộc ngành chế biến mủ cao su, thuộc da, dệt nhuộm… cho thấy, có nhiều doanh nghiệp xử lý chất thải cuối nguồn đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng chất thải phát sinh tại khu vực sản xuất, hay còn gọi là chất thải phát sinh đầu nguồn, lại không được quan tâm xử lý và vượt tiêu chuẩn cho phép lên đến hàng trăm lần.
Đơn cử như tại dây chuyền hấp mủ cao su của các doanh nghiệp chế biến mủ cao su thường phát sinh khí NH3 với nồng độ rất cao. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này đều không trang bị công nghệ hút và xử lý loại khí thải này. Họ cho rằng, việc xử lý khí thải trong khu vực sản xuất không có trong quy định, hơn nữa khí thải độc hại trên sẽ bốc hơi vào môi trường tự nhiên. Điều đó có nghĩa, người lao động trực tiếp tại những khu vực sản xuất này chưa được bảo vệ bằng các trang thiết bị an toàn lao động cần thiết, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các chủ doanh nghiệp hiện nay đều chỉ đầu tư xử lý khí thải phát sinh từ lò hơi và hệ thống xử nước thải sản xuất. Tại sao tồn tại tình trạng trên?
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, một trong những đơn vị có chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, thì chỉ có chức năng kiểm tra việc xử lý khí thải và nước thải cuối nguồn, tức là nước thải và khí thải sau khi qua hệ thống xử lý (thường là cột khói lò hơi và nước thải của hệ thống xử lý nước thải). Hình thức xử phạt cũng căn cứ trên kết quả phân tích mẫu khí thải và nước thải tại các vị trí trên.
Riêng chất thải phát sinh từ đầu nguồn như chất thải rắn, chất thải nguy hại mà doanh nghiệp không thực hiện tốt việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao đúng quy định thì mới thuộc quyền xử lý của sở. Còn về khí thải, hay những vấn đề liên quan đến an toàn sức khỏe người lao động khi phải làm việc trong môi trường độc hại, lại thuộc chức năng của Sở Y tế và Sở LĐTB-XH.
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã vào cuộc nhằm khắc phục tình trạng trên bằng cách triển khai nhiều dự án nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chất thải đầu nguồn, bảo vệ sức khỏe người lao động. Điều đáng tiếc là các doanh nghiệp vẫn từ chối ứng dụng các giải pháp mà sở này đưa ra với lý do là tiêu tốn quá nhiều chi phí đầu tư làm tăng giá thành sản phẩm.
Một số doanh nghiệp khác thì lại cho rằng không thực sự cần thiết. Để đối phó với đoàn kiểm tra về môi trường lao động, nhiều doanh nghiệp đã bố trí nhà xưởng thông thoáng để khí thải độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất thoát ra môi trường tự nhiên.
Vấn đề chính bây giờ là làm sao có thể xây dựng một quy trình kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu sản xuất, không để phát sinh chất thải gây ô nhiễm trực tiếp phát tán ra môi trường. Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để phối hợp thắt chặt hơn công tác kiểm tra xử lý doanh nghiệp vi phạm môi trường nói chung. Có như vậy thì môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mới được cải thiện.
MINH XUÂN