(SGGP). – Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín tại cuộc họp đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm thành phố diễn ra ngày 21-8.
Theo mục tiêu đặt ra, TPHCM đạt 40%/tổng lượng rác thải đô thị phải được xử lý bằng biện pháp tái chế thành phân compost. Thế nhưng, hiện chỉ có 5% - 10% lượng rác thải này được tái chế thành phân compost, số còn lại vẫn phải xử lý bằng cách chôn lấp. Chưa dừng lại đó, điều đáng lo ngại nhất của thành phố là trong tổng số 16 cụm công nghiệp đang hoạt động chỉ có 2 cụm công nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; số còn lại đang thải nước thải ra kênh rạch.
Lượng nước thải chưa đạt chuẩn môi trường này cộng với lượng nước thải phát sinh từ hàng ngàn cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang hoạt động xen cài trong khu dân cư và sự thiếu ý thức của một số người đã đe dọa trực tiếp đến một số công trình cải tạo chất lượng nước kênh rạch của thành phố. Điển hình là khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đang bị cảnh báo có nguy cơ tái ô nhiễm.
Để ngăn chặn thực trạng trên và phấn đấu đạt được mục tiêu của thành phố đề ra vào năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường gấp rút cải thiện giải pháp xử lý rác thải; xử lý triệt để những cơ sở sản xuất cố tình tái vi phạm môi trường. Các quận huyện phải tăng cường vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Riêng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập sớm hoàn thiện và nâng công suất xử lý nước thải tại các trạm xử lý nước thải đô thị tập trung Bình Hưng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm; phải xử lý đạt 50% khối lượng nước thải đô thị (khoảng 1 triệu m³ nước thải/ngày đêm) vào năm 2015.
MINH XUÂN