Ngày 18-12, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Viện Môi trường và Tài nguyên tổ chức hội thảo “Giải pháp cải thiện chất lượng nước kênh rạch trên địa bàn thành phố”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hệ thống kênh rạch thành phố bị bức tử vì thiếu chính sách xã hội hóa công tác thu gom, xử lý nước thải; thiếu sự quyết liệt trong việc xử lý hành vi vi phạm môi trường của cá nhân, cơ sở sản xuất.
Các đại biểu góp ý cải thiện chất lượng nước tại hội thảo.
Kênh rạch sạch cũng tái ô nhiễm
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, khẳng định, TPHCM có mạng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn TP như thoát nước mưa, cấp nước ngọt cho nông nghiệp, công nghiệp, phát triển giao thông thủy… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh, làm cho lòng kênh bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều kênh rạch còn bị khai tử và trở thành nơi phát sinh hàng loạt dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe người dân.
Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhấn mạnh thêm, ngay cả những tuyến kênh TP đã thực hiện cải tạo, nạo vét và vớt rác thường xuyên cũng thiếu bền vững và đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Cao Tung Sơn dẫn chứng, tại các tuyến kênh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, mức độ ô nhiễm hữu cơ tăng cao năm 2009 và giảm dần từ 2010 đến 2013. Tuy nhiên, từ năm 2014, mức độ ô nhiễm lại có xu hướng tăng trở lại. Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, công ty đang phụ trách vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Lượng rác vớt ngày càng tăng, khoảng 4 - 5 tấn rác/ngày. Chưa kể, gần đây, lục bình phát triển dày đặc trên hệ thống kênh rạch nên việc trục vớt rác cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên, kết quả quan trắc năm 2013 của Tổng cục Môi trường cho thấy, nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch TPHCM bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại tất cả các điểm quan trắc đều thấp, tuy nhiên đều đạt hoặc xấp xỉ QCVN 08:2008, cột B1. Giá trị N-NH3 cao cùng với giá trị P (PO43-) cao. Điều này khẳng định sự ô nhiễm do các loại nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý. Một số điểm Cầu Xáng - Kênh Xáng, giao rạch Cây Khô - rạch Tắc Bến Rô và kênh Thầy Cai - cầu Thầy Cai có giá trị trung bình của NH3 vượt QCVN 08:2008, cột B1 từ 2,19 - 9,47 lần. Giá trị BOD5 tại hầu hết các điểm quan trắc thuộc kênh rạch nội thành và ngoại thành là khá cao. Đặc biệt, ô nhiễm vi sinh (Coliform) khá cao thể hiện rõ ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt đô thị. Hàm lượng Coliform hầu hết đều vượt QCVN 08: 2008, cột B1 từ 1,73 - 130,7 lần. So với năm 2012, giá trị trung bình của Coliform trong nước mặt tăng gấp 1,2 lần.
Thiếu kinh phí cải thiện ô nhiễm kênh rạch
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, tải lượng chất ô nhiễm gây ô nhiễm kênh rạch nhiều nhất là nước thải công nghiệp, do không được kiểm soát và xử lý triệt để, xả thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, nước thải từ thượng nguồn ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chảy ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng góp phần làm cho nguồn nước ở TPHCM càng thêm ô nhiễm. Kế đến là thực trạng xả nước thải từ các bể tự hoại của nhà vệ sinh hộ dân và các phòng trọ sống dọc hai bên các kênh rạch. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.
Ngoài ra, sự phát triển đô thị nhanh chóng khiến cho hệ thống thoát nước thải đô thị trở nên quá tải, cộng với công tác quản lý môi trường của các ngành chức năng chưa hiệu quả cũng khiến cho môi trường nước trên các sông, kênh, rạch tại TPHCM bị ô nhiễm và ngày càng có chiều hướng tăng lên. Ông Cao Tung Sơn nhấn mạnh, để đầu tư đồng bộ dự án, giải pháp xử lý chất thải nói chung trên địa bàn, đòi hỏi TPHCM phải có khoản kinh phí khổng lồ. Với mức cho phép chi 1% từ tổng thu ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường thì TP còn chưa đủ chi phí xử lý rác thải sinh hoạt. Do vậy, trong lĩnh vực xử lý nước thải kênh rạch hiện nay, ngoại trừ hai tuyến kênh là Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ và Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư cải thiện một phần, còn lại rất nhiều tuyến kênh rạch khác đang trong tình trạng chờ.
Cụ thể, tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ cải thiện chất lượng nước thải toàn bộ khu vực quận, huyện 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Chánh với tổng công suất thực tế cần là 512.000m³/ngày. Tuy nhiên, hiện chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 với 141.000m³/ngày. Còn giai đoạn 2 cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng, xây dựng hệ thống cống bao, mở rộng trạm bơm chuyển tiếp và xây dựng cống chuyển tải, cải tạo kênh, cải tạo thoát nước bằng bơm phải đến cuối năm 2019 mới có thể hoàn thành. Tương tự, với tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, góp phần cải thiện chất lượng nước kênh rạch cho các quận 1, 3, 10, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, cần đầu tư nhà máy với công suất 500.000m³/ngày.
Thế nhưng hiện chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 với một nửa công suất, giai đoạn 2 đang chờ đàm phán với nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới. Còn hệ thống lưu vực Tây Sài Gòn 1 (thu gom và cải thiện chất lượng nước cho một phần quận Gò Vấp, quận 12, Tân Bình, Tân Phú) có công suất 120.000m³/ngày; kênh Tân Hóa - Lò Gốm (cải thiện chất lượng nước khu vực quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Chánh) với công sất 300.000m³/ngày; lưu vực Nam Sài Gòn (cải thiện chất lượng nước quận 7, một phần huyện Nhà Bè) với công suất 170.000m³/ngày; lưu vực Đông Sài Gòn (cải thiện nước khu vực quận 2) với công suất 350.000m³/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 1, 2 (cải thiện chất lượng nước thải quận Thủ Đức, 9) với công suất 130.000 - 170.000m³/ngày; lưu vực Bình Tân, rạch Cầu Dừa, Tây Bắc (cải thiện chất lượng nước thải quận Bình Tân, Hóc Môn, quận 12, Củ Chi) với công suất 100.000 - 180.000m³/ngày vẫn chưa thể triển khai.
Nhiều chuyên gia môi trường còn cho rằng, việc TP ngưng thực hiện vớt rác thường xuyên trên kênh rạch cũng giống như mỗi ngày hộ gia đình không quét nhà. Như vậy, khó tránh tình trạng rác thải chèn nghẹt dòng chảy, tăng tình trạng ngập úng và ô nhiễm kép cho người dân đang sinh sống trên địa bàn. Vấn đề là một TP lớn như TPHCM nhưng vẫn còn rất nhiều “cái thiếu” về cơ sở vật chất trong công tác quản lý giám sát, cải thiện chất lượng môi trường. Điển hình nhất, đến nay TP vẫn chưa đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng môi trường. Không có hệ thống quan trắc, không xác định chủ nguồn thải, đầu nguồn thải. Từ đó, không thể có giải pháp cải thiện hiệu quả vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay.
| |
ÁI VÂN - MINH HẢI