Xử lý rác khu vực giáp ranh: Chuyện không dễ

Được sống trong môi trường trong lành là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng trong một thời gian dài, người dân sống ở các địa bàn giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh luôn sống trong môi trường ô nhiễm vì rác thải.
Xử lý rác khu vực giáp ranh: Chuyện không dễ

Được sống trong môi trường trong lành là điều ai cũng mong muốn. Thế nhưng trong một thời gian dài, người dân sống ở các địa bàn giáp ranh giữa TPHCM và các tỉnh luôn sống trong môi trường ô nhiễm vì rác thải.

Khốn khổ vì rác

Tại khu vực Làng đại học Thủ Đức, nơi giáp ranh giữa thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và quận Thủ Đức (TPHCM), hàng ngàn sinh viên ở trọ khu vực này luôn phải sống chung với rác thải. Đi trong khuôn viên của Làng đại học, hình ảnh dễ bắt gặp nhất chính là những bãi rác lộ thiên to đùng nằm bên mép đường. Rác tràn ra đường gây cản trở giao thông, thậm chí ngay dưới chân tấm bảng cảnh báo đổ rác sẽ xử phạt, cũng có sự hiện diện của rác. Những đống rác thải tồn đọng lâu ngày, bốc mùi hôi thối khiến người qua lại đều có cảm giác như đang bị “hành xác”.

Nơi ô nhiễm nặng nhất của Làng đại học là khu vực hồ cá sinh viên nằm ngay cạnh Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Nơi đây từ lâu đã hình thành khu chợ tự phát. Hàng ngày, rác thải từ chợ đổ thẳng xuống con mương nhỏ chảy ra hồ. Kết quả, cả mặt hồ lềnh bềnh rác thải. Khi trời nắng, mùi hôi thối bốc lên tanh tưởi, lúc trời mưa nước tràn khiến cho đường thêm lầy lội, bẩn thỉu. Thật không ngoa khi hồ cá được các bạn sinh viên đặt tên là “rốn ô nhiễm” của Làng đại học. Bạn Nguyễn Thùy Dương, sinh viên năm nhất Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, bức xúc: “Gần chỗ em trọ và cạnh trường em học, nơi đâu cũng có rác. Mỗi sáng bước ra khỏi nhà, hình ảnh đầu tiên mà em nhìn thấy là đống rác chưa được thu gom, bốc mùi vô cùng khó chịu. Nhiều lúc ngồi trong lớp học cũng ngửi thấy mùi rác theo gió bay đến...”.

Rác thải tràn ngập khu Đại học Quốc gia TPHCM.

Tương tự, hàng trăm hộ dân ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng khốn khổ vì rác. Dẫn chúng tôi xem “núi rác” khổng lồ ở bãi rác Bàu Cạn (huyện Long Thành), ông Nguyễn Văn Tư, một người dân xã Bàu Cạn không khỏi bức xúc: “Hơn 3 năm nay, hàng trăm hộ dân ở ấp 6 và ấp 7 luôn sống trong nỗi khốn khổ vì khói và mùi đốt rác từ bãi rác mới chuyển về. Hàng ngày phải hít thở không khí ô nhiễm nên nhiều trẻ em, người già bị mắc nhiều chứng bệnh về hô hấp”. Nỗi khổ này bắt đầu từ ngày bãi rác Liên Kim Sơn ở thị trấn Long Thành đóng cửa vào tháng 3-2011, rác sinh hoạt của toàn huyện được đưa về bãi rác tạm thuộc ấp 7, xã Bàu Cạn (huyện Long Thành). Rác về ngày một nhiều nhưng phương thức xử lý vẫn còn thủ công, chỉ là ủi, chôn lấp và đốt. Vì thế, ngày qua ngày, những đống rác được đốt cháy bốc khói nghi ngút, mùi hôi khó chịu, nhất là vào buổi chiều và sáng. Không những vậy, người dân trong vùng còn chịu nỗi khổ khác khi hàng đàn ruồi, muỗi bay về bám đầy từ ngoài cửa vào trong nhà, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống.

Xử lý chậm

Nhằm ngăn chặn tình trạng xả, đổ rác bừa bãi tại quận Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chính quyền địa phương đã đặt các biển báo cấm đổ rác với số tiền phạt khá cao nhằm răn đe, nhưng xem ra cách làm này chưa phát huy được tác dụng. Hiện tại, ký túc xá ĐHQG TPHCM đã có quy định: Cấm sinh viên sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm, còn khu chợ đêm, mọi người đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn nên cảnh rác thải tràn lan như trước đã giảm nhiều, song ở các khu dân cư thì vẫn chưa mấy khả quan.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai, đầu năm 2013, qua rà soát, toàn tỉnh còn 25 bãi rác tạm, với lượng rác cần xử lý ở các bãi rác này khoảng 242.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay đã tăng lên 30 bãi do huyện Cẩm Mỹ mới rà soát, bổ sung thêm 5 bãi ở các xã: Nhân Nghĩa, Sông Nhạn, Xuân Bảo, Thừa Đức và Xuân Đông. Trong đó, có 14 bãi rác do Sở TN-MT chủ trì xử lý, 16 bãi rác còn lại do địa phương xử lý. Dù gọi là các bãi rác tạm, thế nhưng có những bãi rác đã tồn tại đến nay trên 20 năm, nên có khối lượng rác khá lớn. Tỉnh Đồng Nai chủ trương đến cuối năm 2014 sẽ xử lý xong các bãi rác tạm trên địa bàn. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tiến độ xử lý vẫn quá chậm. Đơn cử như bãi rác Liên Kim Sơn nằm trên địa bàn huyện Long Thành đã tồn tại hơn 15 năm qua và chứa gần 37.000 tấn rác sinh hoạt. Đây là khu vực bị ô nhiễm nặng, người dân sống xung quanh rất bức xúc. Do vậy, sau khi xử lý thí điểm thành công bãi rác tạm Liên Kim Sơn, tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa các bãi rác tạm và đồng loạt xử lý theo quy trình ép, đóng gói và chôn lấp hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thừa nhận: Tiến độ xử lý các bãi rác tạm của tỉnh thời gian qua là khá chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do một số vướng mắc trong hồ sơ thủ tục, đơn giá vận chuyển xử lý rác thải và một số công ty xử lý rác chưa được Bộ TN-MT cấp phép đầy đủ. Một khó khăn nữa chính là vấn đề tài chính cho công tác xử lý. Đến nay, tổng kinh phí được tỉnh cấp để xử lý các bãi rác thải tạm gần 55 tỷ đồng, trong khi đó, dự toán kinh phí phục vụ cho việc xử lý toàn bộ 30 bãi rác tạm khoảng 175 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những vướng mắc trong chỉ định thầu khiến Sở TN-MT không thể ký kết với các đơn vị thi công. Hiện tỉnh đã chỉ đạo các biện pháp gỡ khó cho việc này, song từ nay đến hết năm 2014, dù làm nhanh cũng chỉ xử lý được 50% - 60% các bãi rác tạm. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn đóng cửa các bãi rác tạm, không phát sinh bãi rác tạm mới thì tỉnh phải sớm hoàn thành các khu xử lý chất thải để tiếp nhận. Còn chưa xây dựng xong các khu xử lý chất thải mà đã tiến hành đóng cửa, xử lý các bãi rác tạm hiện hữu, e rằng tình hình sẽ không sáng sủa gì thêm.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục