Xử lý triệt để các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng

Liên quan đến kết quả sau một năm triển khai chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Liên quan đến kết quả sau một năm triển khai chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cần phải làm báo cáo kết quả gửi cho các quận huyện góp ý kiến, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân những mặt được và chưa được; đánh giá lại công tác quản lý việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố. Đối với mô hình hợp tác xã vận chuyển rác, cần xem xét lại cơ chế hỗ trợ. Có thể cho triển khai thí điểm tại những quận huyện có đủ điều kiện để tiến tới rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thực hiện rà soát lại ngành nghề, kinh doanh không cấp phép mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung để có đề xuất bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế cho phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay. Đồng thời rà soát lại chức năng của Ban chỉ đạo di dời.

Đặc biệt, tập trung tổng hợp danh sách doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa di dời tại quận huyện; Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP phải có kế hoạch phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các nhà máy xử lý nước thải tập trung và cục bộ của các doanh nghiệp hoạt động trong khu. Về phía quận huyện cũng đề xuất mua sắm trang thiết bị cũng như bồi dưỡng kiến thức cho nguồn nhân lực quản lý lĩnh vực môi trường.

Quan trọng nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường phải cùng với các cơ quan chức năng liên quan tập trung nghiên cứu, lập dự thảo quy định về phân cấp, phân định rõ trách nhiệm của các sở ngành liên quan, UBND quận huyện trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều này cũng để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm ra và xử lý doanh nghiệp vi phạm môi trường trong thời gian qua. Kết quả là doanh nghiệp gây ô nhiễm vẫn mặc nhiên tồn tại hàng chục năm mà không bị xử lý.

Có thể nói, chương trình Giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã đi được 1/5 chặng đường. Bên cạnh những thành quả đạt được như xử lý triệt để hợp vệ sinh rác thải sinh hoạt; 40%/tổng lượng rác sinh hoạt được tái chế; thống kê rà soát những doanh nghiệp có nguồn thải lớn; tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp vi phạm môi trường… thì vẫn còn rất ngổn ngang những việc cần phải làm tiếp. Và một trong những yêu cầu bức thiết nhất là làm thế nào để có thể xử lý triệt để những doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng. Có như vậy mới làm gương cho nhiều doanh nghiệp khác không tiếp tục tái vi phạm môi trường.

Hạ Lam

Tin cùng chuyên mục