Xử lý vi phạm lĩnh vực môi trường: Vẫn thiếu khả thi

Sáng 27-8, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT) về công tác quản lý môi trường trên địa bàn…         Môi trường vẫn “nóng”

Sáng 27-8, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT) về công tác quản lý môi trường trên địa bàn…

        Môi trường vẫn “nóng”

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh 6.200 - 6.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Toàn bộ khối lượng rác này được xử lý tại 2 bãi chôn lấp của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố. 14/14 khu công nghiệp, khu chế xuất đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 48/109 bệnh viện, cơ sở y tế xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn…

Sở TN-MT cũng đưa ra những mặt hạn chế như việc quản lý môi trường chưa ngang tầm với quá trình phát triển TP, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân có chuyển biến nhưng chưa rõ nét; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa nghiêm túc trong việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt vấn đề môi trường tại các cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; mức xử lý vi phạm thiếu tính răn đe….

Phó ban KT-NS HĐND TP Huỳnh Công Hùng cho rằng, các phong trào làm sạch môi trường diễn ra tại thành phố thời gian qua đã có hiệu quả tức thời, nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn thì “đâu lại vào đó”. Sở TN-MT cũng cần phối hợp kiểm tra tính thực thi của những văn bản pháp luật về môi trường, bởi không ít văn bản không đi vào cuộc sống, không được kiểm tra hoặc bị làm lơ.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban KT-NS Phạm Văn Đông cho rằng, nhiều văn bản của nhà nước về xử phạt vi phạm “chưa đủ liều”, nhưng đồng thời nhiều đơn vị vi phạm cũng chưa được thanh tra môi trường “quan tâm” đúng mức. Khẳng định thêm về những bất cập trong xử lý vi phạm, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM cho rằng việc xử lý vi phạm thời gian qua gặp nhiều khó khăn và còn hạn chế.

        Xử phạt và chế tài: thiếu tính khả thi

Đại diện Sở TN-MT cho rằng, các quy định về xử phạt vi phạm văn minh đô thị quy định khá rõ, khá cụ thể nhưng khó khả thi vì việc xử phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện phải xử phạt tại chỗ, quả tang… nhưng không có lực lượng nào đủ nhân lực làm việc này. Trong nghị định quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường quy định ngoài phạt tiền, đình chỉ hoạt động công đoạn gây ô nhiễm, nếu tái phạm nhiều lần thì ngắt điện, ngắt nước nhưng thực tế rất khó áp dụng.

Ví dụ, chợ Bình Điền thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn xả nước thải gây ô nhiễm, bị phạt hàng chục lần vẫn tái phạm, nhưng việc cắt điện hoặc buộc ngưng hoạt động đối với đơn vị này gần như không khả thi.

Còn quy định cho phép thanh tra môi trường thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép sử dụng đất… càng không thể thực hiện vì những giấy tờ này thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác. Còn việc cắt điện thuộc quan hệ dân sự và phải điều chỉnh hợp đồng dân sự giữa đơn vị vi phạm với điện lực. Thậm chí có những đơn vị bị phạt hành chính nhưng không chịu nộp tiền thì thanh tra sở cũng đành… chịu.

Mặc dù Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính cho phép khấu trừ trong tài khoản ngân hàng của đơn vị vi phạm nếu đơn vị này không nộp phạt, nhưng việc phối hợp với ngân hàng trong việc này hoàn toàn không dễ. Từ đầu năm đến nay, thanh tra sở phạt trên 3 tỷ đồng, nhưng số tiền thu được từ nộp phạt mới chỉ khoảng 60%.

Xung quanh vấn đề “đùn đẩy” trách nhiệm xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại giữa các địa phương như Long An, TPHCM, Bình Dương… Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt bức xúc: “Không địa phương nào nhận xây khu xử lý này tại địa phương mình vì sợ mang tiếng “cõng” chất độc về nhà. Mà nếu ai cũng từ chối thì ai xây…”.

Ông Kiệt cho rằng, TPHCM là địa phương có lượng chất thải rắn độc hại lớn hơn so với các địa phương khác nên chúng ta phải góp phần gánh trách nhiệm này. Cũng cần hiểu rõ đây không phải là bãi chứa chất thải rắn độc hại mà là khu xử lý chất thải. 

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục