(SGGP).- Cơn bão số 3 mang tên Nock-ten vừa tan thì rạng sáng 31-7, trên biển Đông lại hình thành một vùng áp thấp mới gây thời tiết xấu. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện vị trí vùng áp thấp đang hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông, tại tọa độ khoảng 16,5-17,5 độ vĩ Bắc và 117-118 độ kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng Tây với tốc độ khoảng 5 - 10km/giờ và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nên khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động, gây khó khăn cho tàu thuyền ra khơi. Đồng thời, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Phía ngoài biển Đông, cơn bão mang tên quốc tế Muifa vẫn đang mạnh lên, hướng di chuyển ngược lên phía Bắc, tương tác với vùng áp thấp ở Bắc biển Đông. Do vậy, trong những ngày tới, thời tiết trên biển Đông và trên đất liền, bao gồm các khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Nam bộ vẫn còn xảy ra những đợt mưa lớn.
Trong khi đó, trên đất liền, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3, hôm qua ở khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ xảy ra mưa lớn. Ở khu vực Bắc Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn còn mưa nhưng cường độ giảm so với khi bão đổ bộ.
Tính đến hôm qua (31-7), đã phát hiện 4 nạn nhân bị thiệt mạng do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó, một nạn nhân ở tỉnh Sơn La bị sét đánh là ông Cà Văn Biến, 60 tuổi, ở khu vực suối Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã. em Trần Vũ Tài (SN 1998), ở xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị chết đuối tại kênh tiêu Vách Bắc vào hồi 8 giờ 30 sáng 31-7 khi đang đi chăn trâu; ông Phạm Xuân Tứ (trú xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) chết khi sửa đường điện; em Hoàng Thị Thu (SN 1991, trú xã Quang Thành, huyện Yên Thành) chết vì đuối nước khi đi chăn vịt.
Về tài sản, thống kê ban đầu, bão đã làm 5 ngôi nhà và 1 trường học ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An bị tốc mái, làm ngập khoảng 1.610ha lúa và 1.935ha hoa màu của tỉnh Nghệ An. 3 tàu đánh cá đã bị bão phá hỏng gồm 1 tàu ở TP Hải Phòng, 2 tàu ở tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, 1 thuyền gỗ tại tỉnh Nam Định bị trôi, mất tích (không có người). Tại huyện Sông Ma (Sơn La) còn có 60ha ngô bị lốc tàn phá, quạt đổ.
Văn Phúc - Duy Cường