Năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013 - mức kỷ lục từ trước đến nay. Xuất siêu cũng đạt khoảng 2 tỷ USD - cao nhất trong 3 năm gần đây. Những con số này đặt lên nhiều kỳ vọng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015 khi Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương - ảnh), nhìn nhận vẫn còn không ít thách thức vào năm 2015 nếu doanh nghiệp không tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
* Phóng viên: Ông có thể đánh giá ngắn gọn về kết quả xuất nhập khẩu năm 2014?
* Ông LÊ QUỐC PHƯƠNG: Kết quả xuất khẩu năm 2014 là khá ấn tượng. Đó là lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu đạt 150 tỷ USD (Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng 10%). Đây là điều đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu khoảng 148 tỷ USD - tăng 12,1% so với năm 2013. Như vậy, năm nay, chúng ta xuất siêu khoảng 2 tỷ USD - năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu và cũng là con số kỷ lục (năm 2012 là 200 triệu USD, 2013 là 800 triệu USD), trong khi năm nay Quốc hội đề ra chỉ tiêu nhập siêu dưới 6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
* Dù đạt được những thành tích ấn tượng nhưng khi đi sâu vào cụ thể, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có vẻ như không “hào nhoáng” như con số nêu trên. Điều đó thể hiện qua việc hàng hóa vẫn chủ yếu gia công, xuất thô, kim ngạch của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... là chủ yếu, thưa ông?
* Đúng vậy. Đằng sau câu chuyện thành tích năm 2014 còn nhiều vấn đề. Tất nhiên, đó vẫn chỉ là sự tích tụ từ nhiều năm trước chứ không riêng năm 2014. Đầu tiên là chúng ta xuất khẩu chủ yếu dựa vào nguyên, nhiên thô, tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô, nông - lâm - thủy sản. Chẳng hạn như xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm hơn 40% nhưng chủ yếu là xuất theo đường tiểu ngạch, chất lượng thấp, giá thấp. Thứ hai là công nghiệp chế biến dù chiếm tỷ trọng lớn vẫn chủ yếu dừng ở gia công, giá trị gia tăng thấp.
Đơn cử như mặt hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu đạt khoảng 24 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là Samsung. Thế nhưng, Samsung lại chủ yếu nhập linh kiện để lắp ráp, còn phần giá trị gia tăng nằm nhiều ở khâu nhân công. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhìn chung có giá trị gia tăng thấp (điện thoại khoảng 5%, dệt may 30%...) mà nguyên nhân chính là do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Chưa kể, xuất nhập khẩu hiện còn phụ thuộc vào số ít thị trường. Chẳng hạn, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc) chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ) chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đặc biệt sự phụ thuộc vào Trung Quốc rất lớn: chiếm gần 30% toàn bộ nhập khẩu của nước ta. Sự phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường xuất nhập khẩu dễ dẫn đến rủi ro khi có biến động bất lợi tại các thị trường đó. Đó là những điều đáng lo.
* Năm 2015, Việt Nam sẽ càng hội nhập sâu với thế giới và khu vực thông qua việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, có thể ký kết trong nửa đầu năm 2015 các FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan; đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Ông nghĩ sao về việc tận dụng các FTA của doanh nghiệp thời gian qua và cơ hội trong năm tới?
* Khi chúng ta tham gia các FTA, đặc biệt với các nước phát triển thì những nước như Việt Nam sẽ được ưu đãi hơn về thời gian mở cửa thị trường. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã cho thấy chúng ta không tận dụng được nhiều ưu đãi đó. Một khảo sát của báo The Economist năm 2014 cho thấy, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ FTA của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%. Còn nếu tính thời gian hội nhập từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20 đến nay thì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất thiếu thông tin và hiểu biết về lĩnh vực này nên không biết, không tận dụng được cơ hội mang lại.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia các FTA có chất lượng cao như TPP, FTA với EU. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội này vẫn mang tính thời sự. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là việc thiếu thông tin và lỗi này đến từ cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp. Nếu những cơ hội cứ tiếp tục trôi đi thì quả là đáng tiếc.
* Doanh nghiệp FDI đã tận dụng rất tốt việc mở cửa thị trường của Việt Nam để xuất khẩu. Vậy liệu có tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là càng tham gia các FTA, doanh nghiệp FDI lại càng được lợi?
* Khi đàm phán mở cửa thị trường, tôi nghĩ Chính phủ, các bộ ngành đều hy vọng doanh nghiệp trong nước sẽ nắm bắt được cơ hội để gia tăng thị phần, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng đúng là có thực tế, trong xuất khẩu hiện nay, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế khi chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Tôi nghĩ xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Thực tế đó cũng đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để tốt hơn trong vấn đề này. Để giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước nắm bắt nhiều hơn các cơ hội từ FTA, tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh việc cho phép doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu các đàm phán cũng như thông tin tuyên truyền về các FTA đến doanh nghiệp tốt hơn nữa, kể cả mặt thuận lợi và khó khăn. “Đừng để tiệc đã dọn sẵn nhưng doanh nghiệp phải đứng ngoài thèm” như nhiều chuyên gia đã nhận xét.
* Nhưng việc chưa tận dụng được các FTA còn có nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ từ lâu vẫn phát triển ì ạch, thưa ông?
* Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, có rất nhiều việc cần phải làm, song theo tôi cần có quyết sách mạnh để nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ, đảm bảo cung ứng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành sản xuất trong nước nói chung và các ngành xuất khẩu nói riêng. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế nói chung và thủ tục hành chính nói riêng (trước hết trong lĩnh vực thủ tục thuế và hải quan) nhằm giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, theo tôi cần tập trung vào các việc như: chủ động điều chỉnh đầu tư để nắm bắt cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước; đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường trong nước và trên thị trường thế giới.
* Ông dự báo ra sao về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2015?
* Năm 2015, theo nghị quyết của Quốc hội, xuất khẩu phải tăng trưởng 10%. Theo dự báo của chúng tôi thì nhiều khả năng chúng ta có thể vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2015 sẽ không còn xuất siêu và nhập siêu có thể quay trở lại. Nguyên nhân là nền kinh tế tăng trưởng cao hơn dẫn đến tổng cầu đầu tư, tiêu dùng tăng lên.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan và khả năng sẽ kết thúc đàm phán TPP. TPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa cao, cho nên, không chỉ năm 2014 mà năm 2015 dòng vốn trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đón đầu các FTA. Khi họ đầu tư vào thì nhập khẩu máy móc thiết bị sẽ tăng lên khá lớn. Đó là lý do có thể chúng ta sẽ trở lại nhập siêu.
* Ông nói nhập siêu tăng trở lại nhưng lại có quan điểm nếu ta tận dụng hết các ưu đãi của các FTA thì cũng chưa hẳn đã nhập siêu?
* Nếu chúng ta tận dụng được thì quá tốt. Khi ký các FTA chúng ta đều hy vọng doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội và việc chúng ta tham gia nhiều FTA và lớn hiện nay đều thể hiện sự hy vọng đó. Cơ hội lớn nhưng tận dụng được hay không phụ thuộc vào nhiều chữ “nếu”.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC QUANG (thực hiện)