Có thời gian điều chỉnh
Theo lãnh đạo Tập đoàn Thương mại phân phối nông sản Liêu Ninh, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, có thể bổ sung và hỗ trợ nhau nếu đáp ứng được nhu cầu 2 bên thì khả năng hợp tác sẽ rất lớn. Vùng Đông Bắc Trung Quốc với 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh có khoảng 150 triệu người, giáp biên giới nước Nga nên nhiệt độ mùa này rất thấp, dưới 00C. Sự khác biệt về khí hậu và thỗ nhưỡng nên nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam có tính hỗ trợ sâu rộng lẫn nhau.
Theo đó, giá không phải là vấn đề ưu tiên số một mà đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải đảm bảo và có xuất xứ. Tỉnh Liêu Ninh chú trọng nhiều đến mặt hàng sầu riêng, gạo, cá basa với yêu cầu chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, khâu chế biến và gia công đạt trình độ nhất định. Kế đến là thương hiệu hóa sản phẩm. Tập đoàn Thương mại phân phối nông sản Liêu Ninh là đơn vị thu mua cấp 1, giảm khâu trung gian khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Xây dựng thể chế trao đổi thông tin trực tiếp, nhanh chóng và chính xác. Xây dựng cơ chế tín dụng giữa chính phủ 2 nước để tạo niềm tin lẫn nhau.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo (trong tổng số 6 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu), chiếm 22% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu năm 2018. Tuy nhiên, số lượng này có giảm mạnh so với năm 2017 khi chiếm tới 38%, tương đương 2,2/5,7 triệu tấn gạo Việt Nam xuất khẩu. Nguyên nhân do chính sách của Trung Quốc có sự thay đổi.
Cụ thể là mặt hàng gạo nếp bị thuế cao, tăng 50%. VFA đã đề nghị Trung Quốc xem xét việc kiểm tra để tăng lượng doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Việt Nam mới chiếm khoảng 1/3 lượng gạo Trung Quốc cần nhập khẩu, khoảng 6 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Chủ tịch VFA đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng lúa gạo và tập trung khách hàng chất lượng cao, có thu nhập khá.
Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị Trung Quốc cho biết nhu cầu, tiêu chuẩn cụ thể, phương thức thanh toán giữa 2 bên, giao nhận bằng đường bộ hay đường thủy, nhập sản phẩm vào cảng nào… để thông tin cho hội viên biết. Đại diện Sở NN-PTNT Tây Ninh, địa phương có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như cao su, sắn, trái mãng cầu... đề nghị Trung Quốc khi có sự thay đổi chính sách cần cho biết trước để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuẩn bị. Không để xảy ra như tình trạng tinh bột sắn vừa qua không thể xuất sang Trung Quốc do có sự thay đổi này.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, mong muốn hợp tác với Trung Quốc, trước hết muốn biết nhu cầu cụ thể, sản lượng, chất lượng sản phẩm để có thể tiếp cận tốt nhất. Tham vấn chính sách để giao thương thuận lợi thay vì như hiện nay rất khó.
Gia hạn thêm 6 tháng để chuẩn bị
Là thị trường truyền thống, đầy tiềm năng, lại sát biên giới với Việt Nam, nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như suy nghĩ trước đây. Chính phủ 2 nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang dạng chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Kèm theo đó là nhiều rào cản kỹ thuật doanh nghiệp Việt phải đáp ứng nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này, vì vậy 2 bên cần từng bước đàm phán tháo gỡ.
Tại buổi tọa đàm xuất khẩu nông sản giữa gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội nông sản Việt Nam với Trung Quốc (các doanh nghiệp tỉnh Liêu Ninh như Tập đoàn Sunwah, Tập đoàn Liêu Ninh...) tổ chức vào cuối tuần qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết sầu riêng và khoai lang vừa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là một phần trong kết quả đàm phán mở cửa thị trường giữa 2 nước. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét việc mở cửa thêm một số loại trái cây khác theo thứ tự: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt.
Trước đó, có 8 loại quả được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (dưa hấu, thanh long, chuối, vải, mít, nhãn, xoài, chôm chôm). Những mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vẫn có thể xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam nhưng thời gian qua xuất khẩu chưa được ổn định vì tỷ lệ chính ngạch chưa cao. Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam mặt hàng gạo, cao su, trái cây... nhưng thời gian qua có đến 60% - 70% nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hoạt động xuất khẩu biên mậu với nhiều rủi ro khiến các mặt hàng của Việt Nam như dưa hấu, thanh long, sầu riêng, khoai lang… bị rớt giá khi thương lái Trung Quốc ngưng mua.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Nam thông tin thêm, Việt Nam đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12-2018 sang tháng 6-2019 mới áp dụng. Như vậy, doanh nghiệp Việt còn 6 tháng chuẩn bị để có thể đáp ứng các quy định của Trung Quốc.
“Để cung cấp thông tin quy định thị trường Trung Quốc, sau Tết Nguyên đán 2019, Việt Nam và Trung Quốc sẽ mở lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách 2 bên và có thể mở rộng tới các doanh nghiệp Việt Nam để giúp hiểu rõ hơn các quy định từ Trung Quốc nhằm có thể đáp ứng các yêu cầu và quy định”, ông Trần Thanh Nam cho biết.