Xuất khẩu rau quả với mục tiêu 1 tỷ USD

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang tác động ngày càng rõ nét đến việc xuất khẩu, trong đó nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bắt đầu “hụt hơi”do sức mua kém như cá tra, tôm đông lạnh, đặc biệt là gạo. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, ngành rau quả xuất khẩu luôn tăng trưởng 2 con số. Theo Tổ chức Nông Lương thuộc Liên hiệp quốc, nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng sản lượng rau quả chỉ tăng 2,8%.
Xuất khẩu rau quả với mục tiêu 1 tỷ USD

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang tác động ngày càng rõ nét đến việc xuất khẩu, trong đó nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bắt đầu “hụt hơi”do sức mua kém như cá tra, tôm đông lạnh, đặc biệt là gạo. Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay, ngành rau quả xuất khẩu luôn tăng trưởng 2 con số. Theo Tổ chức Nông Lương thuộc Liên hiệp quốc, nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng sản lượng rau quả chỉ tăng 2,8%.

        Mục tiêu trong tầm tay

Khi nhiều mặt hàng nông sản như gạo, nhân điều, nhất là thủy sản đã cán đích 1 tỷ USD từ 5 đến 10 năm về trước thì Bộ Công thương nhận định, mặt hàng rau quả phải đến năm 2015 mới có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm. Lý do là trong một thời gian khá dài, từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, việc xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng trưởng rất chậm. Thế nhưng từ năm 2007 trở lại đây, việc xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu khởi sắc khi có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nếu năm 2007 các doanh nghiệp chỉ đạt 305 triệu USD kim ngạch các mặt hàng rau quả, năm 2008 là 407 triệu USD, đến năm 2011 là 628 triệu USD, năm 2012 tăng lên 829 triệu USD. Đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Theo nhận định của Vinafruit, năm 2013 xuất khẩu rau quả có khả năng đạt 1 tỷ USD! Điều này càng có cơ sở hơn khi ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Vinafruit, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang (Antesco), cho biết, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 17%.

Sản xuất rau đạt chuẩn Viet GAP xuất khẩu sang châu Âu tại HTX Phước An, huyện Bình Chánh. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất rau đạt chuẩn Viet GAP xuất khẩu sang châu Âu tại HTX Phước An, huyện Bình Chánh. Ảnh: Cao Thăng

Theo Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang làm việc với các nước trong việc tháo gỡ dần những rào cản thương mại kỹ thuật, kiểm dịch nhiều mặt hàng trái cây như thanh long, sau đó là chôm chôm, nhãn… đã vào được Mỹ, Nhật Bản, Australia… Từ ngày 30-6, sau 1 năm đóng cửa, rau quả tươi Việt Nam sẽ được cấp phép kiểm dịch xuất khẩu vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Vì vậy, Bộ NN-PTNT cho rằng với tốc độ và thị trường như hiện nay không khó để đạt 1 tỷ USD ngay năm nay nếu có định hướng rõ, có vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung như thanh long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang, rau Đà Lạt… Tuy nhiên, các đơn vị phải sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế về GlobalGAP và thực hiện bảo quản tốt sau thu hoạch.

        Mở rộng sản xuất, tăng chất lượng

Theo GS-TS Nguyễn Quốc Vọng, nguyên chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Australia), hiện làm việc tại Đại học RMIT tại TPHCM, trong giao dịch thương mại quốc tế, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là lúa gạo, cà phê, cao su giao dịch hàng năm trên thế giới trên dưới 10 tỷ USD/năm/mỗi loại; những mặt hàng nông sản khác như trà (chè), điều nhân, hồ tiêu khoảng 3 tỷ USD/năm. Trong khi đó, rau quả là mặt hàng có lượng giao dịch lớn nhất, với gần 103 tỷ USD/năm.

Đáng tiếc, dù rau quả là loại cây trồng được nhận định là lợi thế của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cho đến nay, đây lại là mặt hàng xuất khẩu khiêm tốn nhất trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nếu như hồ tiêu, cà phê, nhân hạt điều, gạo… đều ở tốp dẫn đầu các nước xuất khẩu thì rau quả nói chung vẫn lẹt đẹt phía sau các nước. Rau quả Việt Nam dựa quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 60%. Tất nhiên không chỉ có rau quả, nhiều mặt hàng khác cũng xuất khẩu một lượng đáng kể vào thị trường này, nhưng việc dựa quá nhiều và buôn bán qua đường tiểu ngạch dọc biên giới giữa 2 nước luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sau nhiều năm xuất khẩu, các mặt hàng nông sản gặp thuận lợi, trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong các thời kỳ kinh tế thế giới trì trệ như năm 1997 hay từ năm 2008 trở lại đây. Thế nhưng, điều khó tránh khỏi trong xuất khẩu nông sản là luôn biến động theo chu kỳ. Hai năm qua, đồng loạt những mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu đều gặp khó, đặc biệt là gạo. Đến lúc này, một lần nữa, bài toán “trông giỏ bỏ thóc” sao cho hiệu quả lâu dài được đặt ra.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, diện tích và sản lượng rau quả cả nước khoảng 1,4 triệu ha (chiếm khoảng 15% diện tích các loại cây trồng), kém xa cây lúa khoảng 7 triệu ha gieo trồng hàng năm (khoảng 75% diện tích). Mức đầu tư của Nhà nước về con người, nghiên cứu, đất đai và lao động cho các loại cây khác kém xa cây lúa. Về mặt kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp như vậy là chưa hợp lý.

Theo một số chuyên gia, hạn chế lớn nhất cần phải khắc phục là tình trạng trồng theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán, không có vùng tập trung nên quy cách, phẩm chất sản phẩm chưa đồng đều và không có sản phẩm hàng hóa lớn nên rau quả tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu còn rất ít. Điều này có thể giải quyết bằng việc liên kết, hợp tác tạo nên cánh đồng lớn trồng rau, quả trong tương lai.

Hiện nay, việc xuất khẩu những mặt hàng chủ lực rau quả ngày càng khởi sắc hơn nhờ việc mở cửa ngày càng nhiều vào những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, các nước EU, Mỹ La Tinh… Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu Bình Thuận, cũng cho biết, lượng thanh long xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 20% và tăng 30% trị giá so với cùng kỳ năm trước.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục