Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao: Gian nan nâng “chất”

Xuất nhiều nhưng...
Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao: Gian nan nâng “chất”

Mới đây, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức hội thảo Hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (CNC). Qua đó cho thấy trong năm 2012, ngoài dệt may, gạo, giày dép, cao su thì lần đầu tiên nhóm sản phẩm CNC có giá trị xuất khẩu đạt mức hơn 1 tỷ USD, trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của thành phố. Tuy nhiên thực tế giá trị mang lại vẫn là một câu hỏi lớn.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Datalogic Scanning Việt Nam - Khu CNC TPHCM.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Datalogic Scanning Việt Nam - Khu CNC TPHCM.

Xuất nhiều nhưng...

Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhóm sản phẩm CNC là một trong nhóm 5 mặt hàng đóng góp vào gia tăng giá trị xuất khẩu của TPHCM. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm công nghệ cao đạt 2,46 tỷ USD, tăng 3 lần so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 11,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, chỉ riêng Công ty Intel (đóng tại SHTP) đã xuất 1,9 tỷ USD… Tuy nhiên giá trị thu được trên từng sản phẩm xuất khẩu không nhiều như kỳ vọng. Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tại SHTP xuất khẩu đạt 1.075 triệu USD, giá trị lũy kế xuất khẩu đạt 5.269 triệu USD. Thế nhưng, giá trị nhập khẩu tính đến nay đã vào khoảng 4.814 triệu USD. Như vậy, giá trị gia tăng chỉ đạt gần 10%. Ông Hiệp cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giá trị sản phẩm xuất khẩu thấp, đáng kể vẫn là sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động lớn; các sản phẩm hầu như được nghiên cứu thiết kế ở nước ngoài, Việt Nam chỉ nhập về lắp ráp rồi xuất khẩu. Chính vì thế giá trị gia tăng đích thực của các doanh nghiệp đang khai thác tại SHTP chủ yếu là sức lao động.

Hiện trong số 4 lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển (theo Luật Công nghệ cao), chỉ có công nghệ thông tin tương đối phát triển. Giá trị xuất khẩu phần mềm trong năm 2010 đạt 129,8 triệu USD và theo dự kiến với tốc độ tăng bình quân hàng năm 40% thì đến năm 2015, tỷ trọng sản phẩm phần mềm xuất khẩu chiếm 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố. Nhưng sự tăng trưởng đó vẫn tiềm ẩn sự thiếu bền vững. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, sự tăng trưởng chỉ đến từ sự chuyển hướng thị trường của các cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam bởi mức chi phí gia công còn thấp… Riêng với phần cứng, một năm xuất khẩu từ 14-15 tỷ USD, nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI nắm giữ và quyết định. Đó chưa thể là những sản phẩm chủ lực của TPHCM.

Lòng vòng chính sách hỗ trợ

Các đại biểu cho rằng, để gia tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu, từng bước cạnh tranh được với sản phẩm đến từ các quốc gia khác trên thế giới, doanh nghiệp sản xuất rất cần định hướng và các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Nhưng trên thực tế, các giải pháp hỗ trợ vẫn chưa đến được đúng đối tượng. Ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Datalogic Scanning Việt Nam, cho biết 90% tờ khai nhập khẩu hải quan của Datalogic phải hoàn thuế nhiều lần nên họ phải lập bảng kê tiền thuế đóng cho từng tờ khai nhập khẩu. Hậu quả, mỗi tháng họ tiêu tốn đến 18.000 tờ giấy A4 cho một lần làm thủ tục thanh khoản đối với việc xuất khẩu các sản phẩm máy quét mã vạch và các thiết bị ngoại vi; bên cạnh đó là các khoản chi phí khác chi trả cho nhân lực thực hiện. Hay như Intel, công ty này muốn mua hóa chất từ một doanh nghiệp nội địa thì doanh nghiệp nội địa đó phải xin giấy phép nhập khẩu hóa chất vào kho ngoại quan. Sau đó, Intel phải xin giấy phép mua hóa chất từ công ty này rồi làm thủ tục hải quan khai báo nhập khẩu… quy trình này gây mất thời gian cho doanh nghiệp.

Giải thích những khó khăn này, bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) thừa nhận, thời gian qua, nguyên tắc và định hướng xây dựng chính sách của nhà nước để hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm CNC hết sức rõ ràng, nhưng khi thực hiện lại gặp khó khăn, nhất là định nghĩa cho đúng thế nào là sản phẩm CNC không phải dễ. Từ đó, bà Ngọc kiến nghị, dưới sự giám sát của nhà nước, chính các ngành cần sớm cơ cấu lại sản phẩm, lựa chọn một thế mạnh của ngành để phát triển. Trên cơ sở đó, các chính sách thuế sẽ định nghĩa đúng sản phẩm nào là sản phẩm CNC để hỗ trợ, tránh việc ưu đãi tràn lan nhưng không hiệu quả. Còn theo bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý SHTP, ngoài xác định nhóm ngành CNC để ưu tiên phát triển, nhà nước phải sớm hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm. Đây là yếu tố mang tính quyết định để sản phẩm CNC thành phố tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Có như vậy, giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC không chỉ tăng về lượng mà còn biến đổi về chất…

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục