Thiếu tá Lê Hải Ninh mất đi nhưng đã cứu sống 6 người khác trong đó có 2 đồng đội của mình. Đây là món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm. Chết có nghĩa là sẽ về với cát bụi, nhưng cái chết sẽ không là hư vô nếu từ cái chết đó, sự sống khác lại tiếp tục được hồi sinh...
Nghĩa cử cao đẹp
Chiều 28-3, đánh giá thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), Thiếu tướng GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, cho biết: Sau một tháng được ghép phổi, sức khoẻ anh Trần Ngọc Hanh (54 tuổi ở Nam Định) tiến tiển tốt. Bệnh nhân không còn phải thở máy, tự ăn, tự đi lại. Chỉ số xét nghiệm ổn định. Phổi ghép đã dần đảm nhận chức năng hô hấp, không xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng về thải ghép, nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đang được điều trị chức năng hô hấp, phục hồi chức năng vận động. Dự kiến bệnh nhân Hanh sẽ ra viện trong 1-2 tháng tới. Sau khi bệnh nhân ra viện, bệnh viện vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe, kê đơn thuốc ức chế miễn dịch cho bệnh nhân.
GS.TS Mai Hồng Bàng cũng cho biết, cùng với bệnh nhân được ghép phổi, 5 bệnh nhân khác được ghép tạng từ người cho chết não (1 người ghép tim, 2 người ghép thận, 2 người ghép giác mạc) cũng đang hồi phục sức khỏe tốt. Trong đó, bệnh nhân ghép tim ở TP HCM đã ổn định, chức năng tim tốt. Còn 2 bệnh nhân được ghép thận cũng đã phục hồi và được ra viện. 2 bệnh nhân được ghép giác mạc thị lực gần như bình thường và cũng đã được ra viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm bệnh nhân được ghép phổi, Trần Ngọc Hanh Đặc biệt nhân dịp này, Bệnh viện 108 đã tổ chức lễ tôn vinh và tri ân sâu sắc gia đình bệnh nhân chết não hiến tạng là Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, nguyên sĩ quan của Quân đoàn 1, quê Ninh Bình).
Thiếu tá Lê Hải Ninh là người đã hiến tạng khi bị chết não để giúp Bệnh viện 108 thực hiện được ca ghép phổi đầu tiên và cùng với đó là chữa khỏi bệnh, cứu sống 5 người khác, trong đó có 2 đồng đội của anh.
GS.TS Mai Hồng Bàng xúc động chia sẻ: "Đồng chí Ninh mất đi nhưng đã cứu sống 6 người khác trong đó có 2 đồng đội của mình. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của đồng chí Ninh và gia đình. Với quan điểm “Cho đi là còn lại” và “Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp”, đồng chí Ninh mãi là tấm gương sáng người về sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Quân đội nhân dân".
Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh Thiếu tướng Mai Hồng Bàng cũng cho biết, đồng chí Lê Hải Ninh được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện 108 vào ngày 23-2 trong tình trạng xuất huyết dưới nhện lan tỏa, xuất huyết não nặng. Dù được hồi sức tích cực nhưng tình trạng quá nặng nên hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã hội chẩn, kết luận bệnh nhân chết não.
Trong suốt những ngày chồng nằm viện, chị Tạ Thị Kiều luôn túc trực bên cạnh chồng. Khi biết anh không qua khỏi, chị đã thống nhất với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu thêm nhiều người khác.
Trước khi đưa Thiếu tá Ninh vào phòng mổ, các bác sĩ đã chứng kiến giây phút từ biệt vô cùng xúc động giữa 2 vợ chồng.
Chị chạm khẽ vào tay chồng, nói như thể anh vẫn còn nghe thấy: “Em không biết việc làm của mình là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”.
Nhờ quyết định đó, giờ đây cả 6 bệnh nhân được Thiếu tá Ninh cho tạng ghép đã được cứu sống một cách kỳ diệu, sức khỏe đã ổn định.
“Đây là món quà tuyệt diệu, trong veo giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm. Chết có nghĩa là sẽ về với cát bụi, nhưng cái chết sẽ không là hư vô nếu từ cái chết đó, sự sống khác lại tiếp tục được hồi sinh...”, GS.TS Mai Hồng Bàng xúc động nói.
GS.TS Mai Hồng Bàng trao thẻ BHYT cho gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh Để ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình, tại buổi lễ, Bộ Y tế đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh. Đồng thời, Bệnh viện 108 đã quyết định trao thẻ BHYT, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Bệnh viện 108 cho bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ con của Thiếu tá Lê Hải Ninh.
Đặc biệt, Bệnh viện 108 cũng đã trao bản cam kết tuyển dụng các con của Thiếu tá Lê Hải Ninh (hai con trai) vào làm việc tại bệnh viện nếu các cháu theo nghiệp y khoa và có nhu cầu làm việc tại viện.
Xúc động khi nhận được sự tri ân sâu sắc, ông Lê xuân Cựu (bố của Thiếu tá Lê Hải Ninh) đã bày tỏ: "Con tôi mất đi là tổn thất to lớn của gia đình không có gì bù đắp được, trong sâu thẳm tâm tưởng của gia đình vẫn còn những nỗi buồn khó tả nhưng khi được biết các ca ghép tạng đã thành công, điều đó đã là nguồn động viên an ủi rất lớn, xen lẫn là niềm tự hào của họ tộc chúng tôi".
Dấu ấn lịch sử
Cùng nhân dịp này, đánh giá về thành công của ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành Y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện 108 nói riêng. Qua đó không chỉ khẳng định mà còn nâng cao trình độ về chuyên ngành ghép tạng của các thầy thuốc Việt Nam lên ngang tầm thế giới.
Thứ trưởng Bế Xuân Trường cũng khẳng định, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bệnh viện 108 luôn dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân. Bệnh viện đã mạnh dạn ứng dụng nhiều kỹ thuật cao của thế giới và khu vực để nâng cao chất lượng chăm sóc cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội và nhân dân.
Nhân dịp này, Thượng tướng Bế Xuân Trường đề nghị Bệnh viện 108 tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đồng thời có chiến lược xây dựng bệnh viện không chỉ trở thành cơ sở y tế là hàng đầu của Quân đội mà còn phải là hàng đầu trong khu vực và quốc tế.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Bệnh viện 108 thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.
Đồng thời, Bộ trưởng Y tế cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến nghĩa cử cao đẹp của gia đình người đã hiến mô tạng để các thầy thuốc Bệnh viện 108 thực hiện được thành công ca ghép phổi từ người cho chết não, cũng như trao tặng sự sống cho 5 người khác mắc bệnh hiểm nghèo.
"Ghép phổi từ người cho chết não được đánh giá là kỹ thuật khó nhất trong kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu và nhất là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật. Thành công của ca ghép phổi này thể hiện sự trưởng thành không chỉ của Bệnh viện 108 mà còn là sự trưởng thành của ngành y tế Việt Nam, đồng thời kết quả này cũng mở ra một trang mới cho ngành ghép tạng Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim nhấn mạnh.
Qua sự thành công này, Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị Bệnh viện 108 tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, tiếp cận và tăng cường hơn nữa, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh và tích cực tham gia trong hệ thống ghép tạng của cả nước để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh
Trước đó, ngày 26-2, từ một người chết não hiến tạng, Bệnh viện 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Pháp, một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện 108, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Bệnh nhân được nhận phổi trong ca phẫu thuật lần này là ông Trần Ngọc Hanh (ở huyện Xuân Trường, Nam Định) bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh viện 108 cũng đồng thời thực hiện ca ghép thận, ghép giác mạc và chuyển giác mạc còn lại ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Quả tim, thận còn lại được chuyển để ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
NGUYỄN QUỐC