Ngày 3-8, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2017 được tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của đại diện các đơn vị chuyên trách về du lịch ở địa phương, các tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch và đông đảo các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp không khói. Nhiều ý kiến, giải pháp với mong muốn tạo sự đột phá trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến với Việt Nam.
Nhiều nhưng chưa sâu sắc và hiệu quả
Năm 2016, du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015 và tăng gấp 2 lần so với năm 2010, tổng thu từ khách du lịch đạt 417.000 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế tăng trưởng liên tục và đã đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Có thể nói, đạt được kết quả tăng trưởng đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Mức tăng trưởng này có thể coi là “mơ ước” của nhiều ngành. Tuy nhiên, để đạt được lượng khách cũng như doanh thu về du lịch đúng với tiềm năng sẵn có, cần phải có nhiều thay đổi mang tính đột phá.
Du lịch không thể trông đợi vào “hữu xạ tự nhiên hương” nữa mà cần phải coi trọng tính chuyên nghiệp. Nhận thức rõ điều này, báo cáo của Tổng cục Du lịch thẳng thắn chỉ ra rất nhiều hạn chế của công tác xúc tiến, quảng bá.
Cụ thể, công tác phối hợp tổ chức thuê thiết kế xây dựng gian hàng, chuẩn bị các điều kiện, nội dung thông điệp và các hoạt động tại gian hàng chưa chuyên nghiệp, hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng. Hiệu quả kết nối giao dịch tại gian hàng chưa thực sự phát huy, nhiều hoạt động còn nặng hình thức, chưa thiết thực và hiệu quả...
Cùng đó, các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá còn đơn sơ, nội dung chưa chủ động gắn với chương trình xúc tiến du lịch, hình thức, nội dung chưa đổi mới và hấp dẫn. Một số ấn phẩm, vật sản xuất, dùng cho nhiều năm dẫn đến thông tin lạc hậu, chất lượng các hình ảnh, video clip chưa sắc nét về hoạt động trải nghiệm sản phẩm du lịch mà đơn thuần về phong cảnh, ít hoạt động, tương tác du lịch.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nói, công tác xúc tiến vẫn chỉ là “ăn đong” một cách thụ động theo từng sự kiện. Ngay cả hoạt động được coi là quy mô lớn của ngành là Năm du lịch quốc gia, sau nhiều lần tổ chức luân phiên tại các địa phương cũng chưa thực sự phát huy sức mạnh điểm nhấn, mới dừng ở mức độ giới thiệu hoành tráng về văn hóa địa phương, chưa kết hợp với kết nối bán tour…
Dưới góc nhìn gay gắt hơn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng, dù gần đây du lịch được nhắc tới trong nhiều hội nghị và ngành công nghiệp không khói này được đặt nhiều kỳ vọng tạo ra sự bứt phá nhưng dường như chưa có sự đầu tư thích đáng cho du lịch.
Ông Bình phân tích, với kinh phí khoảng 2 triệu USD/năm, tất nhiên khó có thể làm được gì nhiều, mà chỉ là “dạo chơi” trong xúc tiến thôi. Những hội chợ, hội nghị đều bé bé con con, vô cùng gian khổ! Không thể mang ý nghĩa quốc gia khi không có đủ kinh phí để làm. Song vấn đề khủng khiếp hơn chưa dừng lại ở kinh phí mà là giải ngân. Không thể nào giải ngân, đồng nghĩa với việc không có tiền để đầu tư vào đúng lúc, đúng thời điểm. Vì thế, dù ai cũng biết rằng công tác xúc tiến bao lâu nay vẫn thiếu quy mô, thiếu chuyên nghiệp nhưng khó có thể vượt qua được.
Cần cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch
Là 1 trong 3 vấn đề then chốt được đưa ra bàn thảo, nhiều đại biểu cho rằng, muốn tăng trưởng lượng khách quốc tế, phát triển du lịch bền vững, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp như: Chính phủ sớm giải ngân quỹ 200 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến 2017, sớm thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý vận hành quỹ, đồng thời tập trung xúc tiến vào 7 thị trường trọng điểm có mức chi trả cao, lưu trú lâu dài và ổn định. Với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý điểm đến, chấn chỉnh hoạt động lưu trú, vận chuyển và hướng dẫn du lịch.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, nhận định, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song du lịch Việt Nam còn gặp nhiều điểm nghẽn. Một hạn chế khác của du lịch Việt Nam hiện nay là, không có cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch và chưa mở được văn phòng đại diện du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Đây là những khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam, đặc biệt tại thị trường nước ngoài.
Lãnh đạo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, cần sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và xây dựng cơ chế quản lý quỹ một cách hợp lý, thông thoáng, từ đó sử dụng nguồn quỹ hiệu quả cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch, vì vậy cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch ở tầm quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ lao động trong ngành cũng như thu hút các chuyên gia tham gia vào lĩnh vực này.
Tại hội nghị, một số chuyên gia cũng đề nghị chính phủ xem xét mở rộng hơn chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia có lượng khách lớn. Công tác quảng bá, xúc tiến cần chuyên nghiệp hơn và nên có sự hợp tác với cơ quan xúc tiến của các nước, các hãng hàng không để vừa tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư, xã hội hóa trong công tác này.