Xung quanh trả lời của Cục Điện ảnh về phim Điệp vụ biển đỏ: Đừng bao biện!

Ngay sau khi Cục Điện ảnh khẳng định quy trình thẩm định phim Điệp vụ biển đỏ là đúng và cẩn trọng, dư luận bày tỏ sự không đồng tình với nhận định trên. Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại một số ý kiến xung quanh vụ việc này.
Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương: Xin đừng giải thích vòng vo
Theo quan điểm cá nhân tôi, các thành viên hội đồng duyệt phim đã hời hợt, hoặc vì một lý do nào đó mà tôi không biết, đã để lọt chi tiết như thế. Điều đó không nên xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính trị là vấn đề nhạy cảm và hơn ai hết, các thành viên trong hội đồng duyệt phim đều được trang bị rất kỹ kiến thức và nhận thức nên tôi không chấp nhận để xảy ra những lỗi như vậy. 
Có một vấn đề nữa cũng đáng nói. Tại sao với phim của Việt Nam, có những thứ không đáng cắt thì bị cắt, còn các vụ như trên lại để lọt? Có hay không sự công bằng đối với đội ngũ các nhà làm phim Việt Nam? Những người làm nghề như chúng tôi luôn mong muốn có sự công bằng, bởi đội ngũ làm phim nước nhà không hề thua kém về trình độ. Nếu muốn phim Việt sẽ tiến xa, không thua phim các nước trong khu vực, hơn ai hết là những người cầm cân nảy mực cần có tầm nhìn chiến lược, bởi nó sẽ quyết định phim Việt Nam đi lên hay đi xuống.  
Riêng đối với khán giả, khi họ phát hiện ra sự việc và đưa ra lời cảnh báo, đó là tín hiệu đáng mừng của lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Việc còn lại của những người có trách nhiệm là kiểm định tính đúng, sai. Nếu phát hiện sai phạm, hãy tìm cách sửa sai trong phạm vi có thể, trước khi để sự việc bùng phát không kiểm soát. Xin đừng bao biện và giải thích vòng vo!  
Hoàng Dung (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM): Điệp vụ biển đỏ không đáng được chiếu
Là bộ phim được trình chiếu ở Việt Nam, liên quan đến yếu tố chính trị nhạy cảm, bộ phim cần được kiểm duyệt kỹ trước khi phát hành, nhất là khi đây không phải là lần đầu tiên những bộ phim có sai sót vẫn lọt qua vòng kiểm duyệt ra rạp. Đáng lẽ ngay từ đầu, Điệp vụ biển đỏ không nên được duyệt cấp phép tại Việt Nam. 
Tôi đã ra rạp xem bộ phim này và rất bức xúc. Rõ ràng là các đoạn khác, tên địa danh trên bản đồ đều có phụ đề, nhưng khi đến cụm từ “South China Sea” xuất hiện thì phụ đề lại không có. Phải chăng người làm phụ đề cố ý bỏ qua đúng lúc đó, nhằm qua được việc kiểm duyệt? Còn nếu trên tinh thần tôn trọng nguyên tác, giữ nguyên mọi phân cảnh, nội dung thì không nên chiếu bộ phim này. Giới trẻ hiện nay quan tâm không ít đến chính trị và vấn đề biển Đông luôn là mối quan tâm số 1. Bộ phim này gây tranh cãi lớn là điều đương nhiên. 
Lê Quang Lâm (phường Phước Long B, quận 9, TPHCM): Hãy truy trách nhiệm đến cùng
Tôi đã xem bộ phim và đến đoạn cuối đã bỏ ra khỏi rạp vì bất bình. Rất nhiều người cùng xem với tôi cũng đã bày tỏ bức xúc ngay khi vừa ra khỏi phòng chiếu. Tại sao bộ phim trên được phép công chiếu ở Việt Nam và lọt qua tất cả khâu kiểm duyệt? Trong khi đó, ngày 26-3, Cục Điện ảnh lại khẳng định hội đồng kiểm duyệt phim với đủ các thành phần đã làm đúng quy định, làm hết mình. Các vị có nhận thức được những phút cuối của phim đã gây một làn sóng phẫn nộ trong người xem, liên quan đến vấn đề đang nóng hiện nay - chủ quyền biển đảo? Hơn nữa, khi phim Việt Nam đôi lúc còn chật vật để ra rạp thì một bộ phim của nước ngoài lại được kiểm duyệt hời hợt và ung dung ra rạp, bán vé? 
Ngày 27-3, tôi theo dõi thông tin và được biết, một bài viết đăng trên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, “hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ bộ phim này”. Bài viết cũng khẳng định, trong đoạn cuối phim còn có cảnh tàu tuần tra hải quân Trung Quốc trên vùng biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài tự ý xâm nhập khu vực quần đảo Nam Sa và các đảo liên quan. Ai cũng biết, “quần đảo Nam Sa” là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vậy các vị trong hội đồng duyệt phim, Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL trả lời ra sao về vấn đề này? Hãy truy trách nhiệm đến cùng của vụ việc này.

Tin cùng chuyên mục