Xuống núi

Xuống núi

Chùa Phước An là một ngôi cổ tự nằm sâu trong khu rừng còn mang vẻ hoang sơ trên một ngọn đồi đá ong đã bị thời gian và mưa nắng bào mòn. Phía sau đồi là một thung lũng bạt ngàn suốt ngày lởn vởn một màn sương mù trắng đục. Khi trời hửng nắng sương tan ra thành từng mảng mỏng nhẹ như mây phản chiếu với những tia nắng đầu ngày của vầng thái dương vừa lên bên kia con sông như một dải lụa uốn khúc lượn lờ giữa rừng cây tuyệt đẹp. Lúc chiều xuống cảnh vật lại được nhuộm vàng bởi màu trời, cây lá lãng đãng như trong tiết thu phân mà thật ra vẫn còn ở cuối mùa hạ. Khu vườn chùa lúc này xao xác gió và rộn lên tiếng chim quen không phải loài chim ở đồng bằng mà là chim vùng cao, có cả tiếng sơn ca lảnh lót từng tràng dài cao vút giữa tầng không khi chúng vừa bay vừa hót.

Ao chùa nguyên thủy là hố bom B52 được mở rộng ra thành hình chữ nhật, Tư Minh và thầy Thông Tuệ đã xin các loại cá giống từ trại cải tạo lao động K4 về nuôi. Hết 3 mùa sen, lũ cá đã lớn và sinh sôi thành bầy đàn, mỗi chiều chúng kéo nhau lượn lờ sát chân hồ khi nghe có tiếng chân người vì tưởng được cho ăn.

Sen cuối hạ cũng gần tàn, hoa đã nở hết cánh, màu sắc đã nhạt phai nhuộm nét thời gian để hé lộ ra những trái sen màu xanh tròn, búp phẳng như mặt gương lấm tấm những hạt nước do cá quẫy trong ao chùa vướng lại. Tư Minh ngồi trên bờ ao nhìn đàn cá và nhìn màu sen tàn nhận thấy thời gian qua rất nhanh. Mới đó mà đã 3 năm. Ông sống trong chùa Phước An nhiều hơn ở nhà. Và mọi hình ảnh ở đây đã in đậm vào trí nhớ của Tư Minh thành dấu ấn của những ngày tháng công quả và kỷ niệm với chùa.

Chiều nay Tư Minh đang đợi thầy Thông Tuệ từ chùa Bửu Long ở Biên Hòa về, ông sẽ nói mấy lời từ biệt thầy trước khi rời chùa vì đã hết hạn 3 năm tự nguyện làm công quả theo tâm nguyện để “giải nạn” cho con bé Minh Châu. Không biết tâm nguyện này có được Phật tổ Như Lai chứng không, nhưng con bé Minh Châu đã vượt qua cơn “bĩ cực”, nó không còn èo uột, đau ốm liên miên nữa mà đã là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn.

Vợ chồng Tư Minh mừng hơn ai cho vàng vì con bé ngày càng khỏe mạnh, bụ bẫm. Trước mắt Tư Minh bây giờ là những dự định cho tương lai con bé, nó sẽ được ông đưa đi nhà trẻ để làm quen với trường lớp, cô giáo, bạn bè và những bài học đầu đời. Con bé Minh Châu sẽ được học hành đến nơi đến chốn chứ không như Tư Minh phải bỏ dở giữa chừng. Cứ nghĩ đến cảnh con bé đi nhà trẻ về bi bô kể chuyện ở lớp học, bạn bè, cô giáo… giọng nói của nó líu lo như chim, lòng Tư Minh lại rộn lên bao niềm vui hạnh phúc.

Không bao lâu, từ dưới chân đồi, thầy Thông Tuệ trong bóng áo vàng quen thuộc đi lên, dáng đi hơi chúi về phía trước vì chân mang dép nhựa, thầy phải bám vào những tảng đá ong đầy rêu xanh trên lối đi trơn trợt để tiến dần về cổng chùa. Thấy Tư Minh ngồi bên ao chùa, thầy Thông Tuệ vòng qua, mắt chớp chớp sau tròng kính cận, tay nải của thầy nặng xệ bên vai.

- Ủa, ông vẫn còn ở đây à?

- Dạ, tôi chờ thầy về để nói mấy lời từ biệt.

- Tư Minh bày vẽ quá, làm như ông rời chùa rồi đi luôn không trở lại nữa vậy.

Thầy Thông Tuệ là đại đức, người miền ngoài, đi tu từ nhỏ được thượng tọa chùa Phước An nhận làm đệ tử và xem như con. Khi thượng tọa viên tịch, thầy Thông Tuệ cũng vừa tốt nghiệp đại học Phật học trở về chùa được ít năm và thụ phong đại đức, giữ chức trụ trì chùa Phước An từ đó. Thầy Thông Tuệ tuổi ngang ngang với Tư Minh nên cách xưng hô cũng ngang ngang “ông ông, tôi tôi” còn Tư Minh thì vẫn gọi đại đức bằng thầy. Nghe đâu thầy Thông Tuệ mồ côi, cha mẹ chết trong chiến tranh loạn lạc, không có người thân thích, lúc nhỏ sống trong cô nhi viện, khi ở tuổi thiếu niên mới rời cô nhi viện ra ở chùa. Là một đại đức có học vấn uyên thâm, tư chất thông minh, nghiên cứu sâu về thần học và thiền học, đọc nhiều sách, nắm vững về triết học Phật giáo. Không những thế, thầy Thông Tuệ còn nghiên cứu cả triết học tư bản, triết học Mác - Lênin và chủ nghĩa cộng sản.

Minh họa: D. KHANH

Tư Minh kiến thức không bằng một góc so với thầy Thông Tuệ nhưng được tính Tư Minh ham học hỏi, chịu khó lắng nghe nên giữa ông và thầy Thông Tuệ thường có những buổi trà đàm rất thú vị.

Thầy Thông Tuệ ngồi xuống bên cạnh Tư Minh, đặt tay nải lên mặt tảng đá ong sần sùi. Trong tay nải có mấy cuốn sách cũ và một túi trái cây. Thầy Thông Tuệ giữ lại mấy cuốn sách, lấy túi trái cây đưa cho Tư Minh nói:

- Chút nữa về nhà, ông cho tôi gửi cái này làm quà cho con bé Minh Châu.

- Cảm ơn thầy. Mấy cuốn sách cũ dày cộm, sách gì vậy thầy?

- À, tôi mua được bộ “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy xuất bản trước giải phóng và cuốn “Thiền luận”. Tôi đọc xong, ông muốn đọc thì ghé chùa mà đọc.

- Dạ, tôi rất thích, chỉ e không có thời gian.

- Sách là túi khôn của nhân loại, một ngày không đọc sách mình sẽ bị tụt hậu về kiến thức có thể đến 10 năm. Ông chịu khó đọc mới được, sau này còn kèm cho con bé Minh Châu học nữa chứ.

- Dạ.

- Thôi ông về nhà đi kẻo tối, khi nào rảnh cứ ghé chùa uống trà đàm đạo với tôi cho vui.

Tư Minh ngậm ngùi:

- Dạ, tôi rất cảm ơn thầy vì những gì thầy đã giúp đỡ, truyền đạt trong suốt 3 năm qua.

- Đó chỉ là cơ duyên giữa chốn nhân gian, khoảnh khắc cõi tạm. Đường đến với cửa Phật còn dài, đi mấy kiếp cũng chưa tới được, kỳ thực chỉ là chữ “ngộ” ở tâm mà thôi. Tu tại tâm, tâm tức Phật. Ông cũng có cơ duyên với Phật nhưng vướng lụy quá nhiều. Tiếng chuông cảnh tỉnh vang rất xa nhưng đâu phải ai cũng nghe hết được đâu.

- Dạ…

Thầy Thông Tuệ rải một nhúm thức ăn cho cá dưới ao chùa:

- Chà, thoắt đó mà đã ba năm… Thôi! Về đi Tư Minh. Ráng nuôi con bé Minh Châu ăn học thành người. Tôi thấy con bé có tư chất thông minh và có tương lai hứa hẹn đấy.

- Dạ, cảm ơn thầy.

Đường xuống đồi cỏ xanh mượt và lởm chởm, nhấp nhô những tảng đá ong cổ bám đầy rêu. Tư Minh tay xách túi trái cây của thầy Thông Tuệ cho bước nhanh xuống con dốc đã nhuộm vàng màu nắng muộn của buổi chiều tàn. Bỗng tiếng chuông công phu vang lên, ngân dài trong không gian u trầm khiến lòng Tư Minh đượm buồn. Hình ảnh khu vườn dừa nhà ông Hai Kiết hiện ra, những gương mặt quen thuộc của những tháng năm khốn khó thấp thoáng đâu đó trong màu cây lá. Đó là gương mặt hiền từ của bà Năm Phê, nụ cười nheo nheo mắt của Sáu Bảnh, giọng nói khịt khịt mũi thành cố tật của Hai Kiết khi buộc Tư Minh phải dọn nhà đi nơi khác để trả đất lại cho ông ta một buổi chiều nào. Và rồi… đôi mắt buồn, đen sâu, thăm thẳm của Út Nguyệt, cánh môi hé mở của nàng dưới ánh trăng bên cây cầu nhỏ, mùi thơm của mái tóc, bờ vai mềm ướt đẵm sương đêm…Tư Minh vội lắc đầu, chạy rất nhanh xuống con dốc như muốn xua tan những hình ảnh ấy ra khỏi tâm trí mình. Thầy Thông Tuệ đã nói đúng, Tư Minh hãy còn vướng lụy quá nhiều.

Từ xa, Tư Minh đã thấy vợ dẫn con bé Minh Châu ra cổng đứng đợi. Con đường nhựa dẫn vào khu rẫy của Hai Đạt thẳng tắp giữa hai bên cây lá chạy dài, mùi thơm của hoa trái, của cỏ, của đất ẩm như cùng lúc trộn lẫn vào không gian của buổi chiều đang xuống chậm làm Tư Minh như ngợp đi trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Con đường này ngày nào Tư Minh cũng đi về mấy lượt, nhưng sao chiều nay nó trở nên khác lạ, rộn ràng khiến Tư Minh ngỡ mình là người đi xa mới về, hay ít ra cũng trong tâm trạng của một người “đi tu” chùa xa bây giờ “xuống núi”.

Con bé Minh Châu đã nhìn thấy Tư Minh, nó reo lên bên cạnh mẹ:

- Ba về, ba về rồi!

Việc đầu tiên là Tư Minh trao túi trái cây của thầy Thông Tuệ cho vợ để rảnh tay nhấc bổng con bé Minh Châu lên hôn tới tấp vào mặt con gái. Nó ôm lấy cổ Tư Minh, bàn tay nhỏ xíu đẩy mặt Tư Minh ra nói:

- Mặt ba có râu lởm chởm, ghê quá!

- Ôi, ba chưa cạo râu mấy ngày rồi. Xin lỗi, con bị nhột không?

- Râu ba có bầy kiến, nó cắn con.

Vợ Tư Minh cười:

- Thôi, ông buông nó ra lo đi tắm đi rồi cạo râu cho sạch, gớm, “đi tu” mà sao giống người rừng quá. Trái cây ở đâu đây?

- Của thầy trụ trì gửi cho con bé Minh Châu. Thầy Thông Tuệ coi bộ thương và rất quan tâm đến con bé.

- Đừng nói là lớn lên cho nó theo thầy Thông Tuệ học đạo nghen!

Tư Minh cười giòn tan:

- Không đâu, ba nó “tu” giùm nó 3 năm rồi. Con gái tôi lớn lên phải là một nhà khoa học hay nhà kinh tế.

- Ở đó mà mơ đi…

Vợ Tư Minh dúi con bé Minh Châu vào lòng chồng để xuống bếp lo bữa cơm chiều mừng chồng trở về. Tư Minh ôm con gái trong vòng tay, nhấc bổng nó lên bước chầm chậm trong khoảng sân nghe mùi cỏ dậy lên thật nồng nàn trộn vào mùi khói bếp của vợ đang nổi lửa thổi cơm. Buổi chiều thật bình yên, Tư Minh đang đắm mình trong hạnh phúc bình dị, trong trẻo. Ông hôn lên má đứa con gái bé bỏng và bỗng dưng thấy hai dòng nước mắt ứa ra. Tư Minh không biết tại sao mình lại khóc.

TỪ KẾ TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục