Phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng
(SGGPO).- Sau hơn 20 ngày xét xử, ngày 7-1, phiên xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng đã kết thúc. Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên bán án sơ thẩm, xử phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Huyền Như tham ô 1.085 tỷ đồng
Theo lời khai nhận, Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 1.085,5 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi của Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya. TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với số tiền trên.
Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm cho rằng tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị được mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TPHCM là tài khoản thật, được mở hợp pháp hợp lệ.
Công tố viên cho rằng đây là quan hệ gửi - giữ tài sản, trong đó khách hàng là bên gửi tiền, VietinBank là bên giữ tiền. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị mở tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ của bị cáo Như đã phạm vào tội “Tham ô tài sản”, điều này đồng nghĩa với việc VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường.
Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các đơn vị trên để điều tra lại theo thủ tục chung, xác định đúng tội danh của bị cáo Như và tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, của 5 đơn vị.
Các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của VietinBank không đồng ý với quan điểm này, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên phần tuyên của bản án sơ thẩm đối với khoản tiền của 5 công ty bị Huyền Như chiếm đoạt, bị cáo Như không phải là chủ thể của tội “Tham ô tài sản” và VietinBank không có trách nhiệm bồi thường khoản tiền 1.085,5 tỷ đồng mà Huyền Như đã chiếm đoạt của 5 công ty trên.
Hành vi này của bị cáo Huyền Như có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản”, và như vậy địa vị pháp lý VietinBank trong trường hợp này là nguyên đơn dân sự. Bản án sơ thẩm quy kết Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 5 đơn vị này, buộc bị cáo Như bồi thường là không đúng bản chất vụ việc, sai về tội danh, dẫn đến xác định sai tư cách tham gia tố tụng của 5 đơn vị này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bị cáo Huyền Như cùng các đồng phạm chờ nghe tuyên án
Tuy nhiên cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm, vì nếu quyết định ngay việc buộc VietinBank bồi thường thì sẽ tước quyền kháng cáo của VietinBank. Với nhận định cấp phúc thẩm không thể bổ sung những vi phạm và thiếu sót của cấp sơ thẩm, hội đồng xét xử tuyên chấp nhận đề nghị của công tố viên, tuyên huỷ một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 5 công ty nói trên, giao hồ sơ cho Viện KSND tối cao chuyển Cơ quan Điều tra - Bộ Công an tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử lại.
Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên bán án sơ thẩm tù chung thân, xử phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 4 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân gồm Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Ngân hàng ACB, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH Zen Plaza, Ngân hàng Navibank, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TPHCM, ông Phạm Anh Huấn, bà Giã Thị Mai Hiên, bà Lê Thị Kim Tuyến; 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.
Các đồng phạm "lừa đảo" bị y án hoặc tăng án
Là đồng phạm trong các phi vụ lừa đảo do Huỳnh Như thực hiện, 5 bị cáo có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt nhưng không được hội đồng xét xử chấp nhận.
- Bị cáo Võ Anh Tuấn bị Viện trưởng Viện KSND TPHCM kháng nghị tăng án, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm án.
Theo hội đồng xét xử, bị cáo Tuấn đã có hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Như chiếm đoạt 80 tỷ đồng của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát. Bản án sơ thẩm tuyên mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng phápluật.
Hậu quả bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng, lẽ ra phải tuyên bị cáo mức án nghiêm khắc hơn, nhưng vì số tiền 200 tỷ đồng bị cáo Huyền Như chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên đã được tách ra để điều tra lại nên việc công tố viên đề nghị giữ y án 20 năm tù là có cơ sở.
Từ đó, hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Tuấn mức án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời hội đồng xét xử tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử đối với bị cáo Võ Anh Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hưng Yên để điều tra lại, giao hồ sơ cho Viện KSND tối cao chuyển Cơ quan Điều tra - Bộ Công an thực hiện việc điều tra lại.
-Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung giúp Như chiếm đoạt 15 tỷ đồng của Ngân hàng VIB chi nhánh TPHCM là rất nguy hiểm cho xã hội. Mức hình phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa tuơng xứng với tính chất đặc biệt nguy hiểm và mức độ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do bị cáo gây ra. Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt của Viện trưởng Viện KSND TPHCM, không chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo. Tuyên phạt bị cáo 13 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (tăng 3 năm so với bản án sơ thẩm đã tuyên), tổng hợp với hình phạt 2 năm tù tội “Cho vay lãi nặng” thành 15 năm tù.
- Bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như) đã giúp cho bị cáo Như chiếm đoạt 15 tỷ đồng của Ngân hàng VIB chi nhánh TPHCM. Bản án sơ thẩm đã tuyên là thỏa đáng, hội đồng xét xử cho rằng không thể giảm hơn, tuyên phạt mức án 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Bị cáoTrần Thị Tố Quyên đóng vai trò giúp sức tích cực, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hội đồng xét xử tuyên y án 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều bị cáo nhóm ngân hàng được giảm án
Cùng ra tòa với bị cáo Huyền Như có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của VietinBank. Bị cáo Huyền Như thực hiện trót lọt tội phạm do có phần giúp sức của những bị cáo này đã thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng; một số đối tượng do vụ lợi mà cố ý làm trái quy định của pháp luật tại một số ngân hàng và công ty.
Tuy nhiên xét thấy nhiều bị cáo phạm tội do tin tưởng vào Huyền Như, không có hưởng lợi, thành khẩn khai báo, có tình tiết giảm nhẹ mới nên hội đồng xét xử cho 10 bị cáo được giảm một phần hình phạt. Cụ thể:
- Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 11 năm tù)
- Bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 15 năm tù)
- Bị cáo Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 15 năm tù)
- Huỳnh Hữu Danh (nguyên nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TPHCM) 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 17 năm tù)
- Trần Thanh Thanh (nguyên Phó Phòng dịch vụ khách hàng, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 10 năm tù)
- Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 14 năm tù)
- Huỳnh Trung Chí (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank chi nhánh TPHCM): 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (án sơ thẩm tuyên 15 năm tù)
- Lương Thị Việt Yên (nguyên Trưởng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 6 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (án sơ thẩm tuyên 7 năm tù)
- Hồ Hải Sỹ (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (án sơ thẩm tuyên 6 năm tù)
- Lê Thị Ngọc Lợi (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè): 3 năm tùnhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (án sơ thẩm tuyên 4 năm tù giam).
Sửa án sơ thẩm về tiền tịch thu
Hội đồng xét xử nhận định: theo quy định, tiền vốn gốc đem cho vay lãi nặng là phương tiện phạm tội, cần tịch thu sung quỹ Nhà nước nhưng bản án sơ thẩm đã không tuyên tịch thu đối với khoản tiền này.
Đồng thời, tiền lãi từ việc cho vay lãi nặng được xem là thu nhập bất chính, cũng cần tịch thu sung quỹ Nhà nước nhưng bản án sơ thẩm đã tuyên không chính xác, thấp hơn so với thực tế. Do vậy hội đồng xét xử đã tuyên sửa bản án sơ thẩm về tuyên tịch thu các khoản tiền này, cụ thể:
- Bị cáo Phạm Văn Chí nộp hơn 23,8 tỷ đồng
- Bị cáo Nguyễn Thị Lành nộp hơn 9.028 tỷ đồng
- Bị cáo Hùng Mỹ Phương nộp 218,5 tỷ đồng
- Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung nộp 440,4 tỷ đồng
- Bị cáo Nguyễn Thiên Lý nộp hơn 1.296 tỷ đồng
Đối với căn biệt thự H2 thuộc dự án Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam) có diện tích gần 3.000 m², trị giá 43 tỷ đồng, bị cáo Huyền Như kháng cáo xin trả cho mẹ, bà Nguyễn Thị Lang (mẹ bị cáo Huyền Như). Hội đồng xét xử cho rằng những kháng cáo, kiến nghị này không có căn cứ để chấp nhận vì không có căn cứ chứng minh bà Lang là chủ sở hữu tài sản trên, việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên căn biệt thự trên để đảm bảo việc thi hành án của bị cáo Huyền Như là có căn cứ. Việc thế chấp tài sản để vay lãi của bà Nga nếu có phát sinh tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Kết thúc phiên xử phúc thẩm, hội đồng xét xử còn đưa ra một số kiến nghị đến các cơ quan điều tra, Viện KSND yêu cầu làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ án.
ÁI CHÂN
>>Xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Luật sư của VietinBank không đồng ý bồi thường
>> Lời khai mâu thuẫn giữa Huyền Như và chủ nợ
>> Các nhân viên ngân hàng thừa nhận làm sai
>> Phạm tội do tin tưởng Huyền Như >> Cho vay - bắc cầu, đòi nợ - trực tiếp >> Truy hỏi trách nhiệm của ngân hàng