Ý kiến: Chủ đầu tư ép doanh nghiệp

Báo SGGP tuần qua liên tục nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Hiệp Phước và Tây Bắc Củ Chi về việc chủ đầu tư hạ tầng thu phí xử lý nước thải quá cao.

Báo SGGP tuần qua liên tục nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Hiệp Phước và Tây Bắc Củ Chi về việc chủ đầu tư hạ tầng thu phí xử lý nước thải quá cao.

KCN Vĩnh Lộc, quy định nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung phải đạt tiêu chuẩn loại B. Theo đó, những doanh nghiệp trong khu phải xử lý cục bộ nước thải ít nhất là đạt loại C rồi chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung (NTTT) để xử lý thêm một bước, từ tiêu chuẩn C sang đạt tiêu chuẩn B trước khi thải ra ngoài môi trường. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải trả khoản chi phí chuyển nước thải từ loại C lên B cho chủ đầu tư hạ tầng, khoảng 4.000 đồng/m³.

Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp trong khu đã xử lý cục bộ nước thải đạt loại B giống như chất lượng nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý NTTT vẫn phải đóng mức phí gần 2.000 đồng/m³. Tương tự, tại KCN Tây Bắc Củ Chi, chủ đầu tư hạ tầng không khuyến khích các doanh nghiệp xử lý chất thải đạt chất lượng bằng chất lượng nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý NTTT. Vì như thế, chủ đầu tư hạ tầng thất thu.

Trung bình, mỗi mét khối nước thải doanh nghiệp phải trả để chuyển nước thải đã xử lý cục bộ đạt từ loại B sang loại A cho chủ đầu tư hạ tầng là khoảng trên 4.000 đồng/m³. Nếu cộng với chi phí xử lý nước thải cục bộ đạt loại B trước khi kết nối vào hệ thống xử lý NTTT, trung bình doanh nghiệp phải chi trả 10.000 đồng/m³ nước thải.

Lý giải thực tế này, đại diện KCN Vĩnh Lộc cho rằng, theo quy định, nước thải của các doanh nghiệp phải kết nối vào hệ thống xử lý NTTT. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải trả một phần chi phí cho chủ đầu tư hạ tầng để đảm bảo khấu hao máy móc, thiết bị, công tác vận hành, quản lý chung… nguồn nước thải trong KCN. Vì vậy, KCN Vĩnh Lộc đã đưa ra 2 mức giá.

Theo đó, căn cứ vào chất lượng nước thải ra của doanh nghiệp có nồng độ COD dưới 100mg/l phải đóng thêm gần 2.000 đồng/m³, còn COD trên mức 100mg/l phải đóng thêm gần 4.000 đồng/m³.

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, theo quy định, mức phí xử lý nước thải doanh nghiệp phải trả cho chủ đầu tư hạ tầng trong khu chế xuất, KCN dựa trên nguyên tắc thỏa thuận hai bên. Điều đáng nói, hiện các chủ đầu tư hạ tầng lại không dựa trên nguyên tắc này, mà yêu cầu doanh nghiệp phải đóng mức phí nhất định.

Hơn nữa, trong thời gian qua, không ít chủ đầu tư hạ tầng tự ý tăng mức thu phí xử lý nước thải, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, bản thân họ đã phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn, để xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn quy định, nhưng vẫn phải kết nối với hạ tầng chung và đóng thêm một mức phí nữa là không hợp lý.

Có thể nói, việc quy định doanh nghiệp trong khu chế xuất, KCN phải kết nối hạ tầng chung là cần thiết nhằm kiểm soát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan cần sớm có quy định về mức giá trần và giá sàn đối với hoạt động xử lý nước thải trong khu chế xuất, KCN.

Có như vậy, mới mong tìm được tiếng nói chung doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng.

Chi Lan

Tin cùng chuyên mục