
Vụ chị B.T. ở Tân Bình, TPHCM vừa tử vong do thực hiện giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) nâng ngực tại một phòng mạch tư ở quận 1 đang gây xôn xao dư luận. Báo SGGP đã trao đổi với bác sĩ Đặng Văn Quỳ, Phó trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế và bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM - xung quanh vấn đề này.
- Hiện TPHCM có bao nhiêu cơ sở GPTM được cấp phép và phạm vi hoạt động, điều kiện cấp phép ra sao?
- Trong 11.050 cơ sở y tế tư nhân hiện được Sở Y tế TP cấp phép hoạt động chỉ có 40 phòng khám chuyên khoa GPTM. Các phòng khám này chỉ được thực hiện các dịch vụ ở phần mặt như xăm môi, mắt; hút mụn, cấy tóc; nâng gò má, sống mũi; xử lý các nếp nhăn trên mặt; tạo mắt hai mí. Các phòng khám không được phép phẫu thuật nâng ngực; hút mỡ bụng, mỡ chi.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, hiện có một số BV chuyên khoa GPTM hoặc BV có khoa GPTM được Bộ Y tế cấp phép thực hiện GPTM. Ngoài các dịch vụ tương tự ở các phòng khám GPTM nói chung, nhiều BV được phép thực hiện phẫu thuật nâng ngực; hút mỡ bụng, mỡ chi. Điều kiện cấp phép hoạt động cho các cơ sở GPTM khá chặt chẽ.
Theo Thông tư 01/2004/TT-BYT hướng dẫn về hành nghề y dược tư nhân, người được mở phòng khám GPTM phải là bác sĩ đã hành nghề từ 5 năm trở lên. Có chứng chỉ về đào tạo phẫu thuật tạo hình. Phòng khám phải có trang thiết bị và cơ sở vật chất phù hợp. Sở cũng có hội đồng tư vấn và xét duyệt cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở này. Với các BV GPTM, Bộ Y tế có đoàn thẩm định chuyên khoa đặc biệt để thẩm định trước khi xét cấp phép.
- Điều kiện mở phòng khám và BV GPTM khá nghiêm ngặt, thế nhưng vẫn có tình trạng không ít cơ sở GPTM hoạt động quá chức năng, thậm chí như trường hợp phòng mạch của bác sĩ Lê Hùng - chỉ là phòng khám ngoại khoa nhưng thực hiện cả phẫu thuật nâng ngực (có bảng quảng cáo công khai trước phòng mạch), các ông nói gì về vấn đề quản lý của ngành?
- Mỗi năm Sở Y tế đều tổ chức thanh tra định kỳ hai đợt và thỉnh thoảng có những lần thanh tra đột xuất khi có khiếu nại, tố cáo. Ở cấp quận huyện, bộ phận quản lý hành nghề y dược tư nhân tại quận, huyện cũng tổ chức các đợt thanh, kiểm tra định kỳ theo lịch của Sở và các đợt đột xuất hoặc thường xuyên.
Định kỳ 3 tháng Sở đều tổ chức giao ban với quận huyện. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận vấn đề quản lý của ngành cũng còn những hạn chế: lực lượng cán bộ quá mỏng; việc theo dõi và xử lý các đơn vị vi phạm chưa triệt để. Tuy nhiên, ở đây còn là vấn đề ý thức tôn trọng quy chế của ngành và tôn trọng pháp luật của chính những người hành nghề...
- Sắp tới sở có biện pháp gì để chấn chỉnh công tác quản lý? Người dân cần lưu ý gì khi có nhu cầu thực hiện GPTM?
- Chúng tôi đang xúc tiến để hội nghề y tư nhân được thành lập trong năm nay. Đây là tổ chức góp phần giúp các cơ sở hành nghề y tư nhân hoạt động đúng luật pháp, nâng cao chuyên môn và phát triển lành mạnh. Ngoài ra, sẽ tăng cường sự phối hợp quản lý giữa Sở và quận huyện. Về phía người dân, cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi quyết định đến một cơ sở nào đó để thực hiện GPTM.
Nhất thiết phải xem cho được giấy phép và phạm vi hành nghề của các cơ sở này (từ lâu, ngành y tế đã có quy định các cơ sở hành nghề y tư nhân phải trưng công khai giấy phép hành nghề, thậm chí cả biểu giá ngay trước cơ sở dịch vụ, nhưng một số nơi vẫn chưa thực hiện!). Nếu phát hiện các đơn vị GPTM thực hiện quá chức năng hoặc sai chức năng xin báo ngay cho chúng tôi.
- Trở lại trường hợp của bác sĩ Lê Hùng, sở giải quyết ra sao?
- Quan điểm của Ban giám đốc Sở là giải quyết rõ ràng, chính xác, đúng tính chất của vụ việc. Phòng nghiệp vụ Y vừa có tờ trình lên Ban giám đốc Sở với các đề nghị: giám định pháp y để xác định nguyên nhân khiến chị B.T. tử vong; thực hiện quy trình thanh tra và xử lý vụ việc đúng chức năng; lãnh đạo BV nơi bác sĩ Hùng công tác tổ chức họp kiểm điểm nghiêm túc những công chức của BV có tham gia vào ca mổ; đưa trường hợp này ra hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế để xác định chính xác mức độ vụ việc và có biện pháp xử lý phù hợp...
KIỀU OANH thực hiện