Không ít trường học trên cả nước hiện nay thiếu nhân viên y tế khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh (HS). Quy định trường học có phòng y tế học đường có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên để phòng y tế trong trường học hay giao hết cho trạm y tế trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe HS.
Đây là lý do khiến nhiều nơi không xây dựng phòng y tế trong trường học. Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc củng cố nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường được coi là trọng tâm.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều nhận định, hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, công tác y tế học đường chưa chuyển biến. Tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế chỉ đạt khoảng 50%. Cả nước chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS. Nhiều bất cập đang tồn tại. Điển hình như quy định cán bộ y tế học đường có trình độ trung cấp y nên khi tuyển nhân viên y tế trường học, nhiều trường đã tuyển điều dưỡng, nữ hộ sinh nên hoạt động không theo “quy trình” nào, từ hồ sơ sổ sách đến lĩnh vực chuyên môn.
Nhưng có nhân viên y tế là may, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế. Nhân lực vừa thiếu vừa yếu nên hoạt động y tế trường học vì thế cũng ảnh hưởng. Phần lớn phòng y tế học đường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định mà mới chủ yếu tập trung vào công tác vận động tham gia bảo hiểm y tế, sơ cấp cứu các chấn thương thông thường. Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm.
Mặc dù biết tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường nhưng với các trường thì “cái khó đành bó cái khôn”. Không chỉ thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm. Dù nhiều trường học có phòng y tế song không phải phòng y tế nào cũng được bảo đảm điều kiện về cơ số thuốc, trang thiết bị. Trong bối cảnh áp lực về sĩ số học sinh, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhiều trường phải sử dụng thêm phòng chức năng để làm phòng học, tình trạng “một phòng, nhiều chức năng”, trong đó kiêm luôn cả phòng y tế đang trở nên phổ biến.
Trước thực trạng ấy, sự tồn tại của các bất cập trên trong thời gian dài cho thấy các ngành chức năng chưa giám sát thường xuyên cũng như chưa đầu tư đúng mức. Do đó, rất cần các chính sách để cơ quan chức năng ban hành một số văn bản liên quan đến việc thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các quy định về công tác y tế trường học, giám sát hoạt động, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên y tế trường học. Theo Bộ GD-ĐT, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh không phải là nhiệm vụ duy nhất của cán bộ y tế trường học.
Thực tế cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường, cả mầm non và phổ thông, phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Vì vậy, ngoài sự vững vàng về năng lực thực hành, nhân viên y tế trường học còn phải có kiến thức, phương pháp truyền thông để truyền tải, giáo dục học sinh về những vấn đề khá phức tạp và không dễ đề cập như giới tính, bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân…