Ô nhiễm môi trường xuất phát từ đâu? Trong nhiều báo cáo về thực trạng ô nhiễm môi trường luôn có câu: “Xuất phát từ nhận thức chưa cao”. Tình trạng xả rác đặc kênh rạch thì do ý thức cộng đồng chưa cao. Tình trạng doanh nghiệp lén xả thải ra môi trường do ý thức chủ doanh nghiệp chưa cao. Còn với nạn ô nhiễm khí thải do người tham gia phương tiện giao thông ý thức chưa cao… Vậy làm thế nào để nâng cao ý thức?
Tại hội nghị trao đổi về kinh nghiệm quản lý chất thải rắn diễn ra tại TPHCM, đại diện Cục Môi trường TP Osaka Nhật Bản – nơi công tác bảo vệ môi trường thực hiện khá tốt, phương thức thu gom và công nghệ xử lý rác được đánh giá là hiện đại - cho rằng đó là do chưa đưa pháp luật về môi trường vào trong các trường học.
Chuyên gia này cho biết, để thành phố Osaka có được những hình ảnh đẹp về môi trường như xe thu gom rác đẹp như xe du lịch chạy trên đường phố; người dân thực hiện triệt để phân loại rác thành 5 loại khác nhau; nhà máy xử lý rác hiện đại và hoàn toàn được vận hành tự động… thì trước hết phải giáo dục ngay từ trong trường học. Những học sinh ngay từ cấp tiểu học đã phải bắt buộc học các luật bảo vệ môi trường nói chung và cách phân loại rác thải tại gia đình nói riêng. Từ những kiến thức học được, các học sinh sẽ có trách nhiệm phối hợp cùng gia đình để thực hiện tốt quy định bảo vệ môi trường mà nhà nước ban hành. Và đây chính là nền tảng vững chắc, là cơ sở thông tin chính thống để nhiều thế hệ công dân của Nhật Bản, dù ở cương vị nào của xã hội hiện tại cũng như trong tương lai tuân thủ chặt chẽ quy định bảo vệ môi trường của đất nước.
Từ kinh nghiệm trên nhìn lại hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường của nước ta, nhiều chuyên gia trong nước thừa nhận, cái thiếu để có thể tạo nên sự bền vững môi trường xanh, sạch của nước ta chính là đưa pháp luật về môi trường vào trong giáo dục. Đã nhiều năm trôi qua, hàng trăm tỷ đồng đã chi cho công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả chưa cao. Cuối cùng là kênh vẫn đặc rác, vẫn đen ngòm vì nước thải bẩn, không khí vẫn ô nhiễm nặng vì lượng khói thải từ phương tiện giao thông cá nhân hay từ ống khói các nhà máy vẫn tiếp tục thải ra…
Có thể nói, mức xử phạt môi trường đã rất cao khi mỗi hành vi vi phạm môi trường có thể bị phạt lên đến 500 triệu đồng. Thế nhưng bất chấp mức phạt, vẫn còn nhiều đối tượng ngày đêm lén lút, thậm chí công khai vi phạm môi trường. Nên chăng các cơ quan chức năng cần nhìn lại những cái thiếu – mà điển hình nhất là thiếu sự đầu tư cho việc đưa pháp luật môi trường vào trong các trường học.
Ái Vân