“Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012”: Một giải pháp, nhiều hiệu quả

“Ý tưởng tiết kiệm điện - Năm 2012”: Một giải pháp, nhiều hiệu quả

Ngày 16-8-2012, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã phát động cuộc thi “ Ý tưởng tiết kiệm điện-Năm 2012”. Sau một tuần phát động, BTC đã nhận được rất nhiều bài dự thi về ý tưởng, giải pháp, công nghệ cũng như tuyên truyền về tiết kiệm điện với nội dung rất phong phú, có tính thực tế cao. Theo thể lệ cuộc thi, các bài được BTC chấm vào vòng sơ khảo sẽ được lần lượt trích đăng trên Chuyên trang “Ý tưởng tiết kiệm điện-Năm 2012”. Thứ 2 hàng tuần.

Các đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TP.Đà Nẵng lần thứ 3 diễn ra sáng ngày 26-10 vừa qua tại Nhà hát Trưng Vương, không khỏi ngạc nhiên khi kỹ sư Phạm Tài giới thiệu một loại đèn điện có nhiều tính năng vượt trội. Mới hè vừa rồi, điện vẫn còn bị cắt theo lịch, “chừ” có người đưa giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện, hỏi ai mà không quan tâm?

Tiết kiệm năng lượng, không tiết kiệm ánh sáng

Mấy tháng trước, nhiều người chỉ loáng thoáng nghe tin một công trình của kỹ sư Phạm Tài được trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC – 2009). Giờ, gần một nghìn đại biểu tham dự đại hội đã hiểu rõ hơn về những đóng góp tích cực của tác giả công trình có tên gọi đầy đủ là “Nghiên cứu chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” đối với hiện trạng thiếu hụt điện năng hằng năm.

Kỹ sư Phạm Tài kiểm tra bộ đèn LED Nano trước khi lắp đặt.

Kỹ sư Phạm Tài kiểm tra bộ đèn LED Nano trước khi lắp đặt.

Kỹ sư Phạm Tài bảo rằng cứ mỗi khi nghĩ đến con số bình quân 1,7 tỷ đồng mỗi tháng cho chiếu sáng đường phố chưa tính đến ngõ xóm toàn thành phố là ông “đau đầu”. Trên cương vị Giám đốc Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, ông canh cánh bên lòng một giải pháp khả thi nhằm giảm con số bạc tỷ đó xuống.

“Đây là loại đèn điện thân thiện với môi trường, công suất tiêu thụ nhỏ nên giảm đáng kể hiệu ứng nhà kính do khí CO2 thải ra, có độ an toàn cao, giảm rủi ro cháy nổ do phát nhiệt ít. Về sức khỏe, giảm thiểu bức xạ tia cực tím và tia hồng ngoại, không nhấp nháy nên không gây mỏi mắt”.

Hiện nay, nguồn điện cung cấp cho việc chiếu sáng các ngõ xóm ở Đà Nẵng hầu hết được lấy từ nhánh rẽ của hệ thống chiếu sáng đường phố hoặc lấy từ trạm biến áp chung của cả khu dân cư. Bóng đèn thì dùng nhiều loại như đèn sợi đốt 100W, đèn Mercury 80W, đèn Mercury 125W, đèn Compact 50W... Do dòng điện thường xuyên bị sụt áp nên đèn sáng chập chờn, không ổn định mà lại tiêu hao nhiều điện năng.

Qua nghiên cứu tài liệu, kỹ sư Phạm Tài đã thiết kế, chế tác bộ đèn LED Nano trên nguyên lý kết hợp giữa công nghệ Nano và công nghệ phát sáng. Lý thuyết là thế, nhưng để đạt đến thực tế không phải là điều đơn giản. Thời còn ngồi trên ghế trường phổ thông, ông đã từng vứt vào sọt rác hàng tá bản nháp trước khi chứng minh thành công một bài toán hình học không gian. Ở đề tài nghiên cứu lần này cũng vậy, ông đã bốn lần bị “đo ván” vì không vượt qua được những giải pháp kỹ thuật. Thế rồi, với đức tính kiên nhẫn được rèn luyện từ thời cắp sách, thành công đã mỉm cười với ông như những lần trước.

Bộ đèn LED Nano đầu tiên được ông và cộng sự nghiên cứu chế tạo thành công trên nguyên tắc “Tiết kiệm năng lượng, không tiết kiệm ánh sáng”. Sở Khoa học - Công nghệ TP.Đà Nẵng đã lập văn bản “tiến cử” ông với UBND thành phố. Những nỗ lực ban đầu của ông và cộng sự đã lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo thành phố với việc cử chuyên viên trực tiếp xem lại đề tài từ lý thuyết đến thực tế và quyết định tài trợ 150 triệu đồng. Từ đó, thành công đến với ông. Ngày 21-8-2009, đèn LED Nano được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Ngày 8-12-2009, đề tài được Hội đồng Khoa học thành phố nghiệm thu qua việc chế tạo lắp đặt thử nghiệm 55 bộ đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng. 3 ngày sau, Sở Khoa học - Công nghệ thành phố cấp Giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu khoa học.

Giá trị kinh tế - xã hội

Nếu các đèn Compact và Mercury chỉ đạt khoảng 6.000 giờ phát sáng thì bộ đèn LED Nano do kỹ sư Phạm Tài và cộng sự thiết kế chế tạo có “tuổi thọ” lên đến... 50.000 giờ! Hơn nữa, đây là loại LED có công suất lớn, đạt quang thông đến 90 lm/W, cao hơn nhiều so với loại LED thông thường ngoài thị trường, loại này có hiệu suất phát quang thấp, chỉ đạt 20 lm/W.

Đèn LED Nano lắp đặt tại ngõ 127 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Đèn LED Nano lắp đặt tại ngõ 127 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Hơn hai năm sử dụng, 55 bộ LED Nano đã được lắp đặt thí điểm tại 12 ngõ xóm ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn, thay cho các loại bóng đèn cũ. Mỗi bộ có 24 đèn LED Nano, công suất tổng cộng chỉ 24W nên tiêu tốn điện năng ít hơn so với các loại đèn Compact 50W, Mercury 80W và Mercury 125W nhưng lượng quang thông phát ra luôn ổn định dù nguồn điện cung cấp có “chập chờn”. Theo tính toán của ông, dùng bộ đèn LED Nano 24W sẽ tiết kiệm được 40% điện năng so với đèn Compact 40W, 70% so với đèn Mercury 80W.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 đã đánh giá bộ đèn LED Nano này tại Phiếu kết quả thử nghiệm ký ngày 31-8-2009: “So với Tiêu chuẩn chiếu sáng nhân tạo TCXDVN 259:2001 đạt yêu cầu”. Các khảo sát, kiểm nghiệm thực tế do PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Trưởng khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và PGS.TS Lê Kim Hùng, Trưởng ban Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học thuộc Đại học Đà Nẵng được tiến hành độc lập cũng cho cùng kết quả.

Những nỗ lực không mệt mỏi của kỹ sư Phạm Tài và cộng sự đã được đền đáp. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” là một trong 39 công trình khoa học xuất sắc được Hội đồng Khoa học quốc gia công nhận là công trình đoạt Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC – 2009) trong tổng số 105 công trình tham dự.

Theo phân tích của kỹ sư Trần Phú, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Kỹ thuật, Môi trường, Sinh học và Quyền sở hữu trí tuệ Đà Nẵng, công trình của kỹ sư Phạm Tài đạt được 3 tiêu chí của Giải thưởng VIFOTEC. Tính mới: lần đầu tiên ứng dụng cho việc chiếu sáng nơi công cộng ở ngõ xóm của Việt Nam. Tính sáng tạo: Để giải quyết tình trạng sụt áp nơi ngõ xóm, tác giả công trình đã biến điện áp 220V xoay chiều xuống còn 24V một chiều ổn áp nên độ sáng đèn luôn ổn định. Tính hiệu quả: Về kinh tế, tiết kiệm điện năng, tiết kiệm tiền mua đèn vì tuổi thọ của sản phẩm cao hơn các loại đèn thông thường; về môi trường, tiết kiệm năng lượng nên giảm lượng phát thải CO2 vào bầu khí quyển, nghĩa là giảm hiệu ứng nhà kính.

Ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng cho rằng: “LED Nano ra đời đã giảm giá thành sản phẩm chiếu sáng và tăng năng lực cạnh tranh của công ty. Trong lĩnh vực phục vụ điện chiếu sáng của thành phố, công trình có tính khả thi với hiệu quả cao, có khả năng chuyển từ nghiên cứu sang sản xuất và đưa vào sử dụng được ngay”.

“Cây sáng kiến” nở hoa

Đà Nẵng hiện có 1.064 ngõ xóm được chiếu sáng bởi 7.502 bộ đèn công suất tiêu thụ từ 50W đến 125W. Nếu thay thế toàn bộ bằng bộ đèn LED Nano thì sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có tầm “nhìn xa”, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý cho tiếp tục lắp đặt thêm đèn LED Nano tại các ngõ xóm trên địa bàn 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn, đến thời điểm hiện nay đã có 109 bộ đèn LED được lắp đặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Và trong tương lai không xa, sản phẩm trí tuệ của “cây sáng kiến” này sẽ nở hoa từng đêm trên khắp ngõ xóm, kiệt hẻm trong cả nước, góp phần giải bài toán về an ninh năng lượng cho con người.

Bài dự thi của Lê Thành Văn và kỹ sư Phạm Tài

Tin cùng chuyên mục