Yếu tố con người

Vậy là, sau gần 10 năm kiến nghị, thảo luận, phê duyệt, ngày 1-7-2013 Luật Xuất bản 2012 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, thay thế Luật Xuất bản năm 2004 đã có nhiều bất cập. Có rất nhiều điểm mới trong Luật Xuất bản lần này, khi cập nhật được một số vấn đề từ thực tiễn của đời sống, bổ sung được một số điều luật mà lâu nay những người làm sách chân chính, các tác giả, các nhà xuất bản và cả bạn đọc đang mong đợi.

Mừng vì một số điều luật được bổ sung, sửa đổi, nhưng nhìn vào thực tiễn hoạt động của ngành xuất bản Việt Nam hiện nay lại thấy còn lắm bộn bề, nhiều hụt hẫng thiếu rất nhiều điều kiện để các cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam, những người làm sách có thể thực thi luật.

Vấn đề đầu tiên được giới xuất bản Việt Nam quan tâm là Luật Xuất bản 2012 (sửa đổi) đề cập tới xuất bản phẩm điện tử và coi đây là vấn đề quan trọng và về cơ bản tương ứng với hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay. Trong những năm qua, thực tiễn xuất bản nảy sinh hiện trạng xuất bản sách điện tử mà hoạt động quản lý chưa tiếp cận được. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng ứng dụng của công nghệ thông tin, làm lậu các xuất bản phẩm và phát tán rộng rãi trên nhiều trang web và diễn đàn để thu lợi nhuận.

Luật Xuất bản lần này quy định khá cụ thể về phương thức xuất bản sách điện tử, từ quá trình bản thảo, kỹ thuật công nghệ, cho tới quảng cáo, nhập khẩu sách điện tử… Điều 7 luật còn quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, truy nhập, quản lý và lưu trữ dữ liệu... Tuy nhiên, từ thực tiễn ở các nhà xuất bản và các cơ quan quản lý, có thể thấy, để điều luật này thực thi có hiệu quả, chúng ta phải mất... nhiều năm.

Điểm nhấn thứ hai trong Luật Xuất bản 2012 là việc siết lại mối quan hệ liên kết xuất bản. Điều này là cần thiết, nhưng cũng dấy lên trong giới xuất bản Việt Nam những băn khoăn giữa thực và ảo. Ảo là hiện nay trong 64 nhà xuất bản được chính thức cấp phép hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 10 nhà xuất bản thật sự có đủ điều kiện, năng lực và tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa đọc. Tỷ lệ sách liên kết của các nhà xuất bản trung bình chiếm trên 50%. Có nhà xuất bản sách liên kết tới 90% - 100%. Thực là bên cạnh một số tiêu cực thì còn có một lực lượng những người làm sách tư nhân có trình độ, có tri thức, yêu nghề đang đầu tư vốn, chất xám, năng lực, sáng tạo... góp phần cho thị trường xuất bản phát triển khởi sắc, đa dạng.

Để Luật Xuất bản có thể thực thi, chúng ta không thể thiếu yếu tố con người. Xuất bản là một lĩnh vực khó, bởi ấn bản phẩm vừa là một sản phẩm văn hóa vừa phải tồn tại trên thị trường. Vì thế, những người quản lý các sản phẩm này cũng phải là những người có năng lực đặc biệt.

Điều 18 luật quy định 15 nhiệm vụ và quyền hạn cho tổng giám đốc, 5 nhiệm vụ và quyền hạn cho tổng biên tập nhà xuất bản nhưng xem ra giữa yêu cầu của luật và thực tiễn vẫn còn khoảng cách. Trong lĩnh vực xuất bản, chúng ta vẫn còn thiếu một đội ngũ quản lý có bản lĩnh, vừa biết cảm nhận về văn hóa vừa am tường bạn đọc, về thị trường và cả kinh doanh... Từ nhiều năm qua, chúng ta thiếu sự chuẩn bị, hoạch định và đào tạo căn cơ để xây dựng một đội ngũ những người làm công tác quản lý xuất bản có chuyên môn sâu.

Điều 19 Luật Xuất bản quy định về tiêu chuẩn cũng như bắt buộc biên tập viên nhà xuất bản phải có chứng chỉ hành nghề là cần thiết, nhưng nếu triển khai không khéo cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiêu khê...

Ngày Luật Xuất bản được thực thi đã gần kề, vậy mà đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào được phát hành, một lớp tập huấn nào chuyên sâu về lĩnh vực này được tổ chức. Vì thế, với giới xuất bản trong nước... có luật rồi, mừng mà vẫn còn lắm ưu tư.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục