TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đối phó dịch tiêu chảy cấp

Sáng 2-11, Sở Y tế đã có cuộc họp cùng các ban ngành thông báo về nguy cơ dịch tiêu chảy cấp và đề nghị các bộ phận như Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) quận huyện, các bệnh viện (BV) phải chú ý sẵn sàng dập dịch nếu có dấu hiệu xuất hiện.

Chưa ghi nhận tiêu chảy cấp

Chiều tối 2-11, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cùng lãnh đạo các vụ Cục và Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Hôm Đức Viên và công tác dự phòng, tiếp nhận điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 65 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có 1 phụ nữ đang có thai 3 tháng. 85% bệnh nhân này có liên quan đến sử dụng mắm tôm.

Là BV tuyến trên về các bệnh truyền nhiễm, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã có hẳn hai khoa phục vụ công tác điều trị bệnh tiêu chảy, một khoa dành cho người lớn và một cho trẻ em.

Tại khoa tiêu chảy dành cho người lớn ngày 2-11, BV đã ghi nhận trên 15 ca, đa phần là bị tiêu chảy thông thường nhưng nặng phải cấp cứu. Hầu hết các bệnh nhân cho biết trước đó đều có ăn các loại thực phẩm nguy cơ cao như hải sản, rau sống, hột vịt lộn…

Theo BS Lâm Minh Yến, Phó Giám đốc BV, mỗi ngày BV tiếp nhận 5-10 trường hợp người lớn bị tiêu chảy, và số ca nội trú bình quân 15-20 ca/ngày. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ công tác chuyên môn thì chưa có trường hợp nào bị tiêu chảy cấp có nguy cơ lây lan cao như đã ghi nhận tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Trong khi đó, khoa Tiêu chảy trẻ em của BV cũng thường trực bình quân 50-70 bệnh nhi/ngày với số lượng nhập viện mới mỗi ngày từ 10-20 trường hợp. BS Hà Vinh, Trưởng khoa, cho biết hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp tiêu chảy cấp nào ở bệnh nhi có liên quan đến dạng dịch tiêu chảy cấp. Qua ghi nhận tại các BV khác, số trường hợp bị tiêu chảy phải cấp cứu là có, nhưng chỉ ở những dạng tiêu chảy thông thường.

Theo BS Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, cho đến thời điểm 2-11, toàn TP chưa ghi nhận được ca dịch tiêu chảy cấp nào. Ngành y tế TP đang rà soát lại toàn bộ hệ thống các BV trong TP để ghi nhận xem liệu đã có dấu hiệu dịch tiêu chảy cấp hay chưa.

Sẵn sàng dập dịch

TPHCM là nơi có khả năng lây lan vì mật độ giao lưu đi lại giữa TPHCM – Hà Nội – một số tỉnh phía Bắc là rất cao nên ngay khi Hà Nội phát hiện dịch, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn hệ thống y tế TPHCM sẵn sàng ứng phó với dịch tiêu chảy cấp.

Theo đó, các đơn vị y tế, các TTYTDP các quận huyện và TTYTDP TP phải tích cực rà soát, giám sát phát hiện bệnh sớm để khoanh vùng và dập ngay khi dịch xuất hiện. Đặc biệt chú ý đến các KCX-KCN có đông người lao động, trường học, bếp ăn tập thể. Về phía người dân cũng nên chủ động chống dịch thông qua việc chọn lọc nguồn thực phẩm, đảm bảo ăn chín – uống sôi, nhất là không sử dụng các loại mắm sống.

Theo BS Nghiệm, hiện nay, xử lý tiêu chảy cấp là xử lý cơ bản mà các đơn vị y tế tuyến cơ sở đều có thể thực hiện được nên khi phát hiện những dấu hiệu dịch, người dân không cần lên cơ sở y tế tuyến trên mà chỉ cần đến ngay những cơ sở y tế gần nhất, kể cả các phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, nếu đến phòng khám tư nhân thì người dân và phòng khám đó nên báo ngay với y tế địa phương để được hỗ trợ, xử lý khoanh vùng kịp thời, tránh lây lan.

Đa số các ca tử vong do tiêu chảy cấp là do mất nước và muối điện giải, nếu được xử lý kịp thời sẽ tránh được nguy cơ này, kết hợp với các thuốc diệt khuẩn thích hợp với từng loại với vi khuẩn gây bệnh. Nơi xảy ra dịch phải được xử lý bằng các hóa chất cần thiết để tránh lây lan.

Trao đổi với PV Báo SGGP, BS Lê Thanh Hải, Giám đốc TTYTTP TPHCM, cho biết ngày 2-11, trung tâm đã có công văn gửi các TTYT quận huyện, các BV công lẫn tư yêu cầu thông báo khẩn cấp nếu phát hiện trường hợp tiêu chảy cấp về TTYTDP TP và Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế.

Mặt khác, TTYTDP TP đang lên kế hoạch kiểm tra tất cả những nơi có nguồn nước yếu, thiếu, bị triều cường, lấy mẫu nước để xét nghiệm xem có vi khuẩn hay không. TTYTDP TP cũng đã chuẩn bị một lượng lớn Cloramin B, kháng sinh, hóa chất… để sẵn sàng đối phó dịch tiêu chảy cấp. 

TƯỜNG LÂM- KIM LIÊN

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan rộng ra 8 tỉnh phía Bắc

Chiều 2-11, thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho thấy, số bệnh nhân nghi nhiễm tiêu chảy cấp tiếp tục tăng cao và lan rộng ra một số địa phương. Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết, hiện 8 tỉnh phía Bắc là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ và Thái Bình xác định có bệnh nhân dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó Thái Bình là địa phương mới nhất với 1 ca mắc bệnh.

Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, trong ngày có thêm 40 bệnh nhân nhập viện, nâng số bệnh nhân tiêu chảy đang điều trị lên trên 160 ca. Qua soi cấy và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, viện đã xác định 108 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch trên địa bàn thủ đô vẫn rất nghiêm trọng với 273 ca nghi nhiễm, trong đó đã xác định được 37 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trong những ngày tới, 15 đoàn kiểm tra của bộ tiếp tục tới các địa phương để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác điều trị và dập dịch.

* Ngày 2-11, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước diễn biến và tính chất phức tạp của dịch tiêu chảy cấp ngành y tế địa phương vừa đưa vào sử dụng đường dây điện thoại nóng để tiếp nhận thông tin bệnh dịch từ cơ sở.

Khi phát hiện có dịch hoặc biểu hiện có dịch, cán bộ y tế cơ sở và người dân gọi trực tiếp đến các số máy: 037.3952105, 037.3800115 và 037.3950254.

Ngành y tế cũng đã triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống dịch cho trên 100 cán bộ y tế ở 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó triển khai xuống tận địa bàn tất cả các tuyến dưới về phòng chống dịch. Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương sản xuất mắm tôm lớn nhất miền Bắc.

Q. KHÁNH - D. CƯỜNG

Thông tin liên quan:

* Dịch tiêu chảy cấp tiếp tục diễn biến phức tạp: Tạm dừng công việc không cần thiết để chống dịch

Tin cùng chuyên mục