Giảm tải bệnh viện - vẫn là bài toán chưa có lời giải. Bài 1. Ngộp thở ở bệnh viện công

“Quá tải” là chuyện “nhỏ”, chuyện thường ngày và không lạ lẫm gì với hệ thống y tế TPHCM. Đã quá nhiều năm người ta ngán ngẩm cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường, kê băng ca ra tận hành lang, thậm chí ra tới khuôn viên bệnh viện. Rồi chuyện người bệnh chen chúc đến lượt khám, chờ đợi mỏi mòn đến lượt phẫu thuật và ngóc ngách nào của BV cũng thành giường bệnh… Và tất cả dường như đang là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.
Giảm tải bệnh viện - vẫn là bài toán chưa có lời giải. Bài 1. Ngộp thở ở bệnh viện công

“Quá tải” là chuyện “nhỏ”, chuyện thường ngày và không lạ lẫm gì với hệ thống y tế TPHCM. Đã quá nhiều năm người ta ngán ngẩm cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường, kê băng ca ra tận hành lang, thậm chí ra tới khuôn viên bệnh viện. Rồi chuyện người bệnh chen chúc đến lượt khám, chờ đợi mỏi mòn đến lượt phẫu thuật và ngóc ngách nào của BV cũng thành giường bệnh… Và tất cả dường như đang là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.

Vạ vật bệnh viện quận

Sau một đêm nằm ghế bố ở hành lang Khoa Nội tổng quát BV quận Phú Nhuận, nữ bệnh nhân Đặng Hữu Vinh (63 tuổi, TPHCM) vừa ngáp ngủ vừa phải lấy dầu gió xức vào tay để bóp vai, xoa vào những nốt đỏ trên cánh tay vì muỗi chích. Bà lo lắng: “Sáng qua đo huyết áp lại thấy tăng lên. Người mệt mỏi, đau nhức nên vô BV. Vạ vật suốt đêm để mong hôm nay tái khám, bác sĩ cho thuốc”. Sáng trước đó, bà Vinh kêu đứa con gái chở vào BV để kiểm tra sức khỏe và bác sĩ yêu cầu nhập viện, nhưng khi xuống đến Khoa Nội tổng quát thì… không còn chỗ trống.

Theo báo cáo 2009 của Bộ Y tế, hiện tại các BV tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh từ 200% đến 250%.

Không riêng khu điều trị nội trú mà khu khám bệnh của BV quận Phú Nhuận cũng đang rơi vào tình trạng quá tải cục bộ. Cứ vào mỗi buổi sáng các ngày đầu tuần, tại khu khám bệnh tim mạch, cột sống (diện BHYT), có cả trăm bệnh nhân ngồi chờ đến lượt. Cầm số thẻ 108 trên tay, chị Trần Thị Thủy cho biết: “Tôi đến từ lúc 6 giờ sáng. Sau khi nộp hồ sơ đến 8 giờ mới nhận được số tích kê. Sau đó lại phải lên khu phòng khám ngồi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới lượt”…

Ghi nhận tại BV quận Bình Thạnh trong mấy ngày qua cho thấy hiện tượng quá tải không xảy ra ở khu khám, khu điều trị nội trú như ở BV Phú Nhuận nhưng lại “kẹt” ở khu chờ trả kết quả xét nghiệm, chụp X quang và đặc biệt tại khu vực cấp phát thuốc cho bệnh nhân ngoại trú diện BHYT. Anh Phạm T. Quân, một bệnh nhân ngồi ngủ gà gật ngoài hành lang chờ đến lượt, ngán ngẩm: “Tôi đi khám cột sống, khám xong bác sĩ chỉ xuống đây lãnh thuốc nhưng chờ suốt cả tiếng vẫn chưa có. Tranh thủ chợp mắt”.

Ngày nào cũng có rất đông bệnh nhân chờ khám bệnh tại BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Ngày nào cũng có rất đông bệnh nhân chờ khám bệnh tại BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Sau khi được “nâng cấp” từ Trung tâm Y tế quận huyện lên BV, nhiều BV quận huyện bắt đầu thu hút bệnh nhân. Hiện bình quân mỗi ngày các BV quận huyện ngoại thành phát ra khoảng 300-500 tích kê cho bệnh nhân đến khám nhưng vào các ngày cao điểm đầu tuần con số này vọt lên tới gần 1.000 bệnh nhân. Còn BV quận nội thành thường có số bệnh nhân cao gấp rưỡi, có khi gấp đôi.

Theo lãnh đạo một số BV quận huyện, thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới vừa có hiệu lực bắt buộc bệnh nhân khám chữa bệnh ban đầu là tuyến phường xã, quận huyện nên áp lực cũng tăng lên. Ngoài ra, với sự thiếu hụt trang thiết bị, nhân lực, cơ sở vật chất, các BV tuyến dưới đang ngộp thở với sự quá tải đè nặng.

Quá tải tuyến trên

BV Chợ Rẫy TPHCM là điển hình khủng khiếp nhất của sự quá tải đối với BV tuyến trung ương. Ở đây, hầu như tất cả các khoa khám, cấp cứu, điều trị nội trú, ngoại trú… đều ngồn ngộn bệnh nhân mỗi ngày. Bệnh nhân ngồi chờ khám la liệt trên các dãy hành lang, trải chiếu nằm vạ vật trên những lối đi cầu thang, những góc ngách nào có chỗ trống y như rằng là nơi nghỉ ngơi của bệnh nhân hoặc người nhà của họ. Chuyện bệnh nhân phải chờ đến 2 ngày mới đến lượt khám tại BV Chợ Rẫy không còn lạ. Và theo cách nói vui của PGS- TS Nguyễn Văn Khôi, PGĐ BV: “Thật sự chúng tôi tắm mình trong quá tải”.

Do quá tải, người thân phải kê ghế bố, chăm sóc cho bệnh nhi ngoài hành lang tại Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Do quá tải, người thân phải kê ghế bố, chăm sóc cho bệnh nhi ngoài hành lang tại Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: TG.LÂM

Với biên chế năm 2008 là 1.300 giường, rồi tăng lên 1.800 giường năm 2009, nhưng BV cũng chỉ đáp ứng 50% lượng bệnh nhân cần điều trị nội trú. “Từ một bệnh viện 500 giường ban đầu, đã cơi nới các kiểu nhưng không thể nào có đủ chỗ cho bệnh nhân”, PGS Khôi nói…

Ở BV khác, BV Ung bướu TPHCM tình cảnh cũng thê thảm không kém: Hơn 10 năm nay, khuôn viên BV không hề rộng thêm, các khoa phòng dù nâng cấp, sửa sang cũng không chứa nổi lượng bệnh nhân ùn ùn đến khám và điều trị. Từ trên dưới 1.000 bệnh nhân nội trú cách nay 3 năm, hiện mỗi tuần con số đó tăng lên tới 1.600 - 1.700 bệnh nhân, còn ngoại trú thì ngấp nghé 8.000 bệnh nhân. Trong khi thực kê của BV chỉ khoảng 200 giường nội trú, 400 giường ngoại trú. Quá tải! Đó gần như câu cửa miệng mỗi khi nói về BV Ung bướu và hiển nhiên bệnh nhân phải trải chiếu, kê băng ca nằm dọc theo hành lang, lối đi là thường…

Thực trạng của BV Ung bướu, Chợ Rẫy cũng là tình trạng chung của BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nhi đồng 1, BV Nhân dân 115 và nhiều BV công khác tại TPHCM. Kê thêm giường, cơi nới phòng ốc, tuyển thêm nhân lực… tất cả đều đã được các BV vận dụng hết công suất nhưng xem ra quá tải vẫn là … căn bệnh trầm kha. Bệnh viện không phát triển, lượng bệnh nhân tăng lên mỗi năm từ 5%-7% đang khiến các BV đuối sức chống đỡ. Như BV Ung bướu, trong năm 2008 tiếp nhận 10.000 bệnh nhân ung thư mới, năm 2009 lên 13.000 bệnh nhân.

“Năm sau cứ tăng hơn năm trước, như vậy thử hỏi BV gồng gánh sao xuể”, BS Lê Hoàng Minh, GĐ BV Ung bướu TPHCM, thở dài. Cũng theo BS Minh thì quá tải đang gây ra nhiều hệ lụy như chất lượng khám điều trị giảm xuống, bệnh nhân không hài lòng, thời gian nằm viện lâu, chi phí điều trị tăng… 


TƯỜNG LÂM-TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục