Vụ sữa “bốc hơi” độ đạm: Cơ quan hậu kiểm… làm lơ!

Ngày 6-2, PGS-TS Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) tuyên bố viện này đã tiến hành giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm độ đạm tới 99 mẫu sữa trên thị trường TPHCM từ tháng 4 đến tháng 11-2008. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, viện này đã báo cáo ngay cho Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM để tiến hành các bước giám sát tiếp theo.

Sữa nhập khẩu lẫn nội địa đều “bốc hơi” độ đạm

Sau khi thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố 10/20 mẫu sữa được kiểm nghiệm không đạt độ đạm như tiêu chuẩn ghi trên nhãn hàng, ngày 6-2, Viện vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) cũng cho biết hàng loạt mẫu sữa bột mà cơ quan này đã lấy mẫu và kiểm nghiệm từ tháng 4 đến tháng 11-2008 cũng cho kết quả tương tự.

Theo PGS-TS Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, trước nguy cơ thực phẩm thiếu an toàn gia tăng, viện đã chủ động giám sát sữa bột bán lẻ trên thị trường TPHCM nhằm xác định hàm lượng protein (độ đạm) trong sữa bột có phù hợp với công bố chất lượng ghi trên bao bì sản phẩm. Cụ thể Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM đã tiến hành lấy 99 mẫu sữa bột tại các điểm bán lẻ trên thị trường quận, huyện, cửa hàng, siêu thị trong nội thành và vùng ven TPHCM.

Trong đó sữa bột hộp thiếc nhập khẩu 37 mẫu; sữa bột hộp giấy nhập khẩu là 13 mẫu; sữa bột hộp thiếc nội địa 18 mẫu; sữa bột hộp giấy nội địa 14 mẫu; sữa bột bao ni lông nội địa 17 mẫu. Kết quả cho thấy 4/37 mẫu sữa bột hộp thiếc nhập khẩu không đạt độ đạm so với công bố; 2/13 mẫu sữa bột hộp giấy nhập khẩu không đạt độ đạm như công bố; 9/18 mẫu sữa bột hộp thiếc nội địa không đạt độ đạm như công bố.

Đáng chú ý có tới 15/17 mẫu sữa bột đựng trong bao ni lông được kiểm tra có hàm lượng đạm không đạt so với ghi trên bao bì, và mức chênh lệch giữa hàm lượng đạm thực tế kiểm tra thấp hơn so với ghi trên bao bì sản phẩm đã công bố chất lượng từ 1 tới 30 lần. Như vậy có đến 37,4% trong tổng số 99 mẫu sữa bột không đạt độ đạm như công bố.

Từ kết quả giám sát nói trên, Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM đã báo cáo cho Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM để tiến hành thanh kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, mãi đến đầu tháng 2-2009 này, khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lên tiếng, người tiêu dùng mới “té ngửa” rằng sữa bột thiếu đạm trên thị trường vẫn tràn lan. Người tiêu dùng đang đặt nghi vấn liệu Sở Y tế TPHCM đã thanh tra, kiểm tra và xử lý những sản phẩm sữa bột thiếu đạm?

Ăn sữa thiếu đạm, trẻ em còi cọc

Bức xúc trước thông tin hàng loạt mẫu sữa bột không đủ độ đạm, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết sức khỏe của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nếu ăn phải những loại sữa này. Theo BS Diệp, sữa là thực phẩm chính của trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, và nếu sữa không đảm bảo chất đạm khiến trẻ em còi cọc. Bởi về nguyên tắc, đạm giúp xây dựng cấu trúc cho cơ thể như não, thần kinh, nội tiết tố, cơ, xương…

Đối với trẻ em, đạm rất quan trọng cho các tế bào hoạt động và phát triển. Cũng theo BS Diệp, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần 1,5 đến 2,5g đạm/kg cân nặng/ngày; trẻ từ 1-3 tuổi cần 35 đến 44g đạm/ngày; trẻ từ 4-6 tuổi cần 44 đến 55g đạm/ngày và trẻ từ 7-10 tuổi cần 55 đến 64g đạm/ngày. Nếu trẻ thiếu độ đạm theo tiêu chuẩn trên sẽ suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

Như vậy, nếu thực sự những sản phẩm sữa thiếu độ đạm đã bán trên thị trường nhiều năm qua và các con trẻ ăn phải thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là hoàn toàn có thể. Trước thông tin này, người tiêu dùng nghi ngại rằng liệu các cơ quan giám sát có thiếu trách nhiệm? Và nếu sự thật không được phơi bày, liệu đến bao giờ người tiêu dùng mới hết bị dối lừa và trên hết là nguy hại đến sức khỏe con em họ. 

Một số mẫu sữa không đạt độ đạm:

Sữa bột nguyên kem Daisy không đường; Sữa bột béo nguyên kem Bytylac; Sữa bột giàu canxi Sepal Calyx; Sữa bột Titifood; Sữa bột nguyên kem Intellac; Sữa bột Gold Weighton; Sữa bột tăng trưởng với MTC Dollac 2; Sữa bột béo Hòa Lan; Sữa bột béo nguyên kem New Milk; Sữa bột béo nguyên kem New Zealand; Sữa nguyên kem Bonalac; Sữa bột nguyên kem Intella; Sữa tăng trưởng với DHA Dollac 1 cho trẻ từ 6 đến 3 tuổi; Sữa bột nguyên kem Campina; Sữa bột dinh dưỡng Arti Grow; Sữa bột ít béo giàu canxi Fitalac; Sữa bột Supermilk; Dollac - sữa bột tăng trưởng MICT cho trẻ 3 - 6 tuổi; Sữa Nutri TQ...

(Nguồn: Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM)

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục