Vụ tràn lan sữa bột dỏm ở TPHCM - Làm rõ trách nhiệm

Vụ tràn lan sữa bột dỏm ở TPHCM - Làm rõ trách nhiệm

Sau khi Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM - Bộ Y tế công bố thêm 37 mẫu sữa bột bị “ăn bớt” độ đạm, người tiêu dùng càng tỏ ra lo lắng hơn và lên án lương tâm của các nhà sản xuất kinh doanh cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, lương tâm và trách nhiệm vẫn quá… lửng lơ!

“Ăn bớt” độ đạm!

Vụ tràn lan sữa bột dỏm ở TPHCM - Làm rõ trách nhiệm ảnh 1
Thanh tra Sở Y tế TPHCM lấy mẫu sửa kiểm nghiệm. Ảnh: TG. Lâm

Thông tin hàng loạt mẫu sữa bột thiếu đạm làm người tiêu dùng hết sức bức xúc vì lâu nay họ vẫn tin tưởng rằng cứ cho con cái ăn sữa sẽ tăng trưởng hơn bởi cung cấp đủ độ đạm.

Chị Nguyễn Xuân Hoa ở phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức tức tối: “Con tôi đã 10 tuổi và ăn sữa cùng từng ấy thời gian, vậy mà có ngờ đâu sữa lại thiếu đạm”.

Nhiều bà mẹ mà chúng tôi trao đổi khi đang đi tìm mua sữa cho con chiều 7-2 dọc các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng sữa như Nguyễn Thông (quận 3), Nguyễn Tri Phương (quận 5)… cũng có tâm trạng tương tự và họ cho rằng đó là sự “ăn bớt” lương tâm. Và đương nhiên người tiêu dùng đang “tẩy chay” những sản phẩm, nhãn hàng sữa bị phát hiện thiếu đạm.

Chiều 7-2, chúng tôi có mặt tại chợ Bình Tây (quận 6) TPHCM, chị Phạm Thị Thu, chủ một ki ốt bán sữa cho biết, 2 ngày qua sản phẩm sữa bột béo Hòa Lan, không ghi thành phần độ đạm mà báo chí công bố trước đó không ai hỏi thăm. Mặt hàng sữa bột béo Hà Lan cũng trong tình trạng tương tự.

“Khi báo chí phản ánh sữa này bị ăn bớt độ đạm, cửa hàng đã không lấy thêm hàng nữa và đang làm thủ tục để trả lại gần 20 hộp còn tồn đọng này” - chủ một cửa hàng sữa chợ Kim Biên (quận 5) cho biết.

Theo kinh nghiệm của một số chủ hàng sữa, sữa thiếu đạm là hoàn toàn bị “ăn bớt” bởi thường những loại sữa khi nhập khẩu về là dạng nguyên liệu trong các bao lớn 50kg, sau đó được sang chiết đóng bao, đóng gói, đóng hộp. Chính trong những công đoạn này đã phát sinh những gian dối của nhà sản xuất, chế biến.

Còn theo một chuyên gia của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM thì trước khi tung sản phẩm ra thị trường, các sản phẩm sữa phải có giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Giấy này được cấp dựa trên kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa và các thủ tục khác. Tuy nhiên, hầu như mọi mẫu sữa mà doanh nghiệp mang đến kiểm nghiệm đều chọn đúng độ đạm như công bố nhưng sau đó thì… có trời mới biết được pha thêm những loại bột gì làm giảm độ đạm!

Sở Y tế TPHCM đã làm hết trách nhiệm

Dư luận đang đặt câu hỏi là ngay sau khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Văn phòng phía Nam phát hiện 10/20 mẫu sữa bột thiếu đạm và có báo cáo gửi Sở Y tế TPHCM từ ngày 4-10-2008 đề nghị sở này xem xét, tiến hành các bước kiểm tra, xử lý nhưng không hề có một khuyến cáo nào cho người tiêu dùng biết?

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định: Sở đã kịp thời giải quyết ngay, cụ thể là cho tiến hành thanh kiểm tra và xử lý những cơ sở mà Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng “chỉ điểm”. Cụ thể là Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt 5 công ty phân phối, sản xuất sữa ở địa bàn TPHCM có sản phẩm thiếu đạm và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, với số tiền hơn 50 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hơn 300 kg sữa và ngăn chặn các mặt hàng sữa này ra thị trường.

Trong đó, sở đã đình chỉ hoạt động Công ty TNHH Hùng Lâm, nơi có 5 sản phẩm sữa bột Food Milk đều không đạt hàm lượng đạm, buộc tiêu hủy 160 kg sữa không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, với động thái kịp thời như vậy cho thấy sở đã làm hết trách nhiệm. Thậm chí sau khi xử lý xong các sản phẩm sữa vi phạm thiếu đạm, ngày 15-12-2008 Sở Y tế đã có ngay báo cáo cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (văn phòng phía Nam) biết. Mặt khác cũng đã có báo cáo cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).

Xung quanh 37/99 mẫu sữa bột cũng thiếu đạm mà PGS-TS Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM công bố ngày 6-2 vừa qua sau khi tiến hành khảo sát và kiểm nghiệm từ tháng 4 đến tháng 11-2008, theo viện này đó chỉ là kết quả tham khảo, chưa đủ tính pháp lý.

Chính vì vậy, ngày 5-2-2009 Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM mới có báo cáo gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM để kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng nghi ngại liệu sự báo cáo này có chậm trễ hay không khi mà sữa vốn dĩ là thực phẩm hàng ngày của bao con trẻ?

Thông tin liên quan

- Vụ sữa “bốc hơi” độ đạm: Cơ quan hậu kiểm… làm lơ!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục