Chưa có giải pháp tổng thể cho vệ sinh an toàn thực phẩm

Sáng 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đoàn giám sát của UBTVQH báo cáo về việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP).

  • Lo từ trang trại đến bàn ăn

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, hiện nay mỗi năm cả nước sản xuất được 11,5 triệu tấn rau các loại, song ngay cả tại các đô thị lớn, mới chỉ kiểm soát được 20% – 30% nhu cầu rau xanh. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau, quả tại TP Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TPHCM trong quý 3 và 4-2008 cho thấy, trong 76 mẫu rau thì có 40 mẫu nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,6%), 6 mẫu rau nhiễm Samonella (chiếm 7,9%). Số liệu trên cho thấy, môi trường đất và nước để trồng rau và cung ứng rau là không đảm bảo.

Đáng lo ngại hơn, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau có chiều hướng tăng. Ô nhiễm do tồn dư thuốc BVTV giai đoạn 2004 – 2006 là 4,9%, giai đoạn 2007 – 2008 tăng lên 5,72%.

Ở mặt hàng đồ uống, đoàn giám sát đánh giá: “Sản xuất rượu thủ công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (250 – 300 triệu lít/năm) và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại này”. Trong khi đó, việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyt trong rượu ở các cơ sở chế biến này lại chưa tốt. Bởi vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp bị chết do ngộ độc rượu. Chỉ trong 20 ngày, từ 9-9 đến 29-9-2008, trên địa bàn TPHCM, đã ghi nhận 11 ca tử vong, trong tổng số 30 ca ngộ độc rượu.

  • Chưa rõ đầu mối nào đủ mạnh?

Dẫn ra hàng loạt các con số yếu kém về VSATTP, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ cao về VSATTP, ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe người dân và nền kinh tế.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Nhận định 90% rau quả đạt yêu cầu là không thuyết phục, phải xem xét lại”. Nêu con số 800 văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới VSATTP nhưng các khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng vẫn “hổng”, ông Hiển đánh giá, hệ thống văn bản “tuy nhiều nhưng không cụ thể mà lại chồng chéo, gây khó khăn cho khâu thực hiện...”.

Đoàn giám sát cũng đề ra hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó, đáng chú ý có đề xuất, bảo đảm cấp đủ ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước về VSATTP tối thiểu ở mức 9.000 đồng/người.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH nêu hàng loạt câu hỏi: “Đề xuất 9.000 đồng/người dựa vào đâu? Chia đều cho các bộ hay đổ về một “đầu mối đủ mạnh” như báo cáo nêu? Cơ quan đó là cơ quan nào, chưa rõ”?

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng băn khoăn: “Qua các kiến nghị – giải pháp, có vẻ chưa tìm ra khâu nào đột phá, mấu chốt nhất? Người dân rất mong đợi cả giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài… Hiện nay, Bộ Y tế chủ trì phối hợp song những gì làm theo cơ chế liên ngành hiệu quả rất kém, cần nghiên cứu mô hình bộ máy thế nào đó để quản lý về VSATTP hiệu quả hơn”. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục