Vụ “xẻ thịt” Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM- Sở ngành đã “gật đầu”!

Ngày 24-9, điều tra của phóng viên Báo SGGP cho thấy dự án xây mới BV Nhi đồng 2 TPHCM đã được các sở ngành TPHCM “hậu thuẫn” chỉ sau 1 tháng Chính phủ yêu cầu xem xét. Tuy nhiên, dư luận ngành y tế đang đặt ra nhiều nghi vấn cũng như không đồng thuận dự án trên. Mặt khác, nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương của TP là nên nâng cấp, xây mới bệnh viện ở ngoại thành để tránh kẹt xe, ô nhiễm thêm.
Vụ “xẻ thịt” Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM- Sở ngành đã “gật đầu”!

Ngày 24-9, điều tra của phóng viên Báo SGGP cho thấy dự án xây mới BV Nhi đồng 2 TPHCM đã được các sở ngành TPHCM “hậu thuẫn” chỉ sau 1 tháng Chính phủ yêu cầu xem xét. Tuy nhiên, dư luận ngành y tế đang đặt ra nhiều nghi vấn cũng như không đồng thuận dự án trên. Mặt khác, nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương của TP là nên nâng cấp, xây mới bệnh viện ở ngoại thành để tránh kẹt xe, ô nhiễm thêm.

Còn nhiều băn khoăn và chưa có tiền lệ, trái nghị định

Giám đốc Sở Y tế ủng hộ, bệnh viện phản đối

Mặc dù tiếp xúc với báo giới, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu nói chưa có ý kiến gì về dự án xây dựng mới BV Nhi đồng 2 nói trên. Tuy nhiên, qua điều tra, PV Báo SGGP được biết ngày 11-9, Giám đốc Nguyễn Văn Châu đã có công văn 5112/SYT-KHTH “ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng mới BV Nhi đồng 2…”.

Trong khi đó, Ban giám đốc BV Nhi đồng 2 đã phản đối dự án nói trên. BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc bệnh viện, đã có công văn gửi các sở ngành “không nhất trí về việc xây mới lại toàn bộ bệnh viện”.

Theo BS Tuấn, nên tiến hành thực hiện theo đúng quy hoạch đã trình Sở Y tế. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, bệnh viện sẽ tiến hành cải tạo và xây mới theo nguyên tắc từng bước, ổn định, kế thừa, hiệu quả, không lãng phí và tiến tới phát triển toàn diện.

Ngay sau khi nhận được công văn đề nghị góp ý kiến cho dự án xây dựng mới BV Nhi đồng 2, ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đã phúc đáp tại công văn 7445/SXD-TTBCĐ ngày 9-9 với nội dung “…nhận thấy việc Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa xin chủ trương đầu tư theo phương thức đơn vị tự ứng vốn xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng 2 và chuyển giao theo hướng trở thành bệnh viện tầm cỡ của khu vực, quốc tế là tích cực, cần được xem xét tạo điều kiện thực hiện…”.

Mặc dù vậy, Sở Xây dựng vẫn băn khoăn là yếu tố lịch sử của bệnh viện, hiện trạng cảnh quan cây xanh. Mặt khác, Sở Xây dựng cho rằng việc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng và chuyển giao (B.T) là chưa có tiền lệ tại TPHCM và cũng không nằm trong các lĩnh vực “xây dựng kết cấu hạ tầng” quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11-5-2007 của Chính phủ.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hồ Quang Toàn cho rằng, BV Nhi đồng 2 là công trình có vị trí thuộc khu vực trung tâm thành phố, thuộc danh mục các công trình nghiên cứu bảo tồn kiến trúc cảnh quan. Đồng thời đây là quần thể bao gồm nhiều công trình cũ, xây dựng từ thời Pháp, có quá trình hoạt động gắn liền với sự phát triển của khu trung tâm thành phố. Tuy vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn có văn bản 2575/SQHKT-QHKTT ủng hộ xây dựng nâng cấp BV Nhi đồng 2.

Bên cạnh đó, tuy còn nhiều băn khoăn về kiến trúc, phương án đầu tư nhưng Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đều ủng hộ việc xây dựng mới BV Nhi đồng 2. Qua đó cho thấy, hầu như các sở ngành đều đã “gật đầu” cho dự án nói trên mà Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa đề xuất mặc dù thời gian nghiên cứu, xem xét hồ sơ cũng như tìm hiểu về thực tế khuôn viên lịch sử BV Nhi đồng 2 chỉ trong vòng chưa tới 1 tháng.

Xây bệnh viện để... đổi đất?

Với dự kiến bỏ ra 3.200 tỷ đồng đầu tư xây mới BV Nhi đồng 2, Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa cho rằng “vì mục tiêu phát triển chung của xã hội và lợi ích lâu dài của các cháu”. Tuy nhiên, trong dự toán hoàn vốn, nhà đầu tư đề nghị UBND TP đổi đất hoặc bù tiền đã đầu tư. Theo đó, tổng trị giá đầu tư công trình sẽ được kiểm toán để xác định, trên cơ sở đó thành phố sẽ hoàn lại vốn đầu tư theo 1 trong 2 phương thức. Một là xác định quỹ đất nơi khác theo cơ chế giá thị trường để khấu trừ, trong trường hợp quỹ đất của Nhà nước được xác định theo cơ chế thị trường có trị giá lớn hơn tổng trị giá đầu tư bệnh viện thì nhà đầu tư thanh toán thêm khoản chênh lệch, còn trị giá khu đất nhỏ hơn vốn đầu tư thì thành phố phải thanh toán thêm tiền chênh lệch. Hai là thành phố thanh toán lại vốn đầu tư cho nhà đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước bằng tổng trị giá đầu tư sau kiểm toán cộng với lãi suất ngân hàng và lợi nhuận 2% - 5%.

Phác thảo BV Nhi đồng 2 mới, theo đề án của Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa. Ảnh: Tg. Lâm

Phác thảo BV Nhi đồng 2 mới, theo đề án của Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa. Ảnh: Tg. Lâm

Những đề xuất trên cho thấy nhà đầu tư bỏ vốn ra để thu về một khoản lợi nhuận từ đất hoặc từ tiền ngân sách.

Trong khi đó, với tình hình kinh tế khủng hoảng hiện nay, ngân sách thành phố còn phải phục vụ những công trình phúc lợi cần thiết khác thì liệu có đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Hơn nữa, nếu đổi đất thì lấy ở đâu trong khi TP vốn đã chật hẹp và dành cho nhiều công trình quan trọng khác.

Nhưng điều quan trọng hơn là liệu có cần thiết xây mới BV Nhi đồng 2 hay chưa khi dư luận xã hội chưa đồng thuận, gây lãng phí, khi mà BV Nhi đồng 2 vẫn hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Mặt khác, từ năm 2007, UBND TPHCM đã có chủ trương “các cơ sở y tế ở khu vực trung tâm thành phố và các quận nội thành cũ chỉ được phép sửa chữa, nâng cấp đầu tư trang thiết bị, phương tiện…, không quy hoạch xây dựng mới”. Đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với một thành phố đang phát triển mạnh mẽ ra các khu vực ngoại thành.

TƯỜNG LÂM

Tin bài liên quan:

>>> Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM: Xây mới hay “xẻ thịt”?

Tin cùng chuyên mục