Bớt hoang mang với vaccine “5 trong 1”

Liên tiếp trong thời gian ngắn, nhiều trẻ bị phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem. Không ít gia đình có trẻ nhỏ đành chấp nhận tốn kém đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm loại vaccine mới thay thế có độ an toàn cao hơn. Trong khi đó, cơ quan y tế và nhiều chuyên gia y tế vẫn khẳng định vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vẫn hiệu quả trong phòng bệnh…
Bớt hoang mang với vaccine “5 trong 1”

Liên tiếp trong thời gian ngắn, nhiều trẻ bị phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem. Không ít gia đình có trẻ nhỏ đành chấp nhận tốn kém đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm loại vaccine mới thay thế có độ an toàn cao hơn. Trong khi đó, cơ quan y tế và nhiều chuyên gia y tế vẫn khẳng định vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vẫn hiệu quả trong phòng bệnh…

Chấp nhận mất phí

Mới đầu giờ sáng nhưng phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nằm trên phố Nguyễn Chí Thanh và cơ sở tiêm dịch vụ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trên phố Lò Đức đã khá đông người đưa trẻ tới tiêm vaccine.

Tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh.Ảnh: Mai Hải

Tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh.Ảnh: Mai Hải

Trong khi chờ cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe con gái mình trước khi tiêm, chị Lê Thanh Thúy (ở Ngọc Khánh) chia sẻ: “Gần đây, thông tin chuyện trẻ bị phản ứng, thậm chí tử vong sau tiêm chủng vaccine khiến gia đình lo quá. Vẫn biết đưa trẻ tiêm vaccine tại trạm y tế phường theo lịch tiêm chủng được miễn phí hoàn toàn nhưng vẫn cứ lo lo thế nào. Thế nên, vợ chồng em đành chấp nhận bỏ tiền để tiêm vaccine dịch vụ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước việc nhiều trẻ nhỏ bị phản ứng nặng sau khi tiêm chủng tại trạm y tế loại vaccine “5 trong 1” Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất (phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB) không ít gia đình có trẻ nhỏ rất hoang mang và trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ. “Không cho trẻ đi tiêm chủng thì trẻ dễ bị mắc các bệnh nguy hiểm nhưng tiêm vaccine mà cứ phản ứng, tai biến liên tiếp xảy ra thì cũng… sợ quá” - một phụ huynh chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã tìm tới các điểm tiêm chủng dịch vụ để cho trẻ tiêm loại vaccine thay thế vaccine “5 trong 1” Quinvaxem là vaccine “6 trong 1” Infanrix hexa của Bỉ sản xuất (phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, HIB và viêm gan B) hay vaccine “5 trong 1” Pentaxim là loại vaccine vô bào của Pháp sản xuất.

Một chuyên gia tư vấn tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, vaccine Infanrix hexa và Pentaxim đều là 2 loại vaccine thế hệ mới, được bào chế bằng công nghệ hiện đại nên ít xảy ra phản ứng sau khi tiêm so với vaccine Quinvaxem. Tuy nhiên, 2 loại vaccine này vì giá thành quá cao nên chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia mà chỉ được sử dụng ở các phòng tiêm chủng dịch vụ.

Anh Nguyễn Hùng Anh (ở Gia Lâm, Hà Nội) vừa đưa con trai đi tiêm mũi vaccine “6 trong 1” Infanrix hexa tại điểm tiêm chủng dịch vụ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chia sẻ: Thực sự bỏ ra gần 700.000 đồng để tiêm một mũi vaccine cũng xót ruột lắm nhưng vì sự an toàn của con nên đành chịu. 

Cần bình tĩnh

Sau vụ việc vaccine “5 trong 1” Quinvaxem, mặc dù Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan vẫn đang tiếp tục tiến hành các biện pháp kiểm tra chất lượng vaccine và tìm các nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm nhưng bước đầu Hội đồng chuyên môn xử lý tai biến vaccine, Bộ Y tế cũng đã có kết luận: Không có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vaccine. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vaccine “5 trong 1” Quinvaxem chính thức được đưa vào Chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng từ tháng 6-2010 và đây là vaccine do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015.

Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều. Hiện nay, 5/8 lô vaccine “5 trong 1” Quinvaxem nghi ngờ gây tai biến đã tạm dừng sử dụng để kiểm tra chất lượng và làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, việc dừng hẳn, không sử dụng loại vaccine này là không thể, vì chưa thể khẳng định chất lượng của loại vaccine này không đảm bảo cũng như để tìm được loại vaccine thay thế còn phụ thuộc nhiều điều kiện, nhất là kinh phí.

GS-TS Phạm Ngọc Đính, Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam cho rằng, việc ngừng lô vaccine có liên quan đến các ca tai biến là cần thiết nhưng không nên dừng tiêm phòng vaccine Quinvaxem. “Sau khi làm rõ các nguyên nhân, nếu loại trừ do chất lượng vaccine thì nên cho tiêm trở lại vì lợi ích của tiêm chủng lớn hơn rất nhiều”, GS-TS Phạm Ngọc Đính nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương kiêm Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, GS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, không có loại vaccine nào tuyệt đối an toàn 100% nên vẫn có tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm vaccine. Đối với vaccine “5 trong 1” Quinvaxem đã được sử dụng ở 91 quốc gia từ năm 2006 tới nay với 427 triệu liều. Bên cạnh đó, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm của vaccine Quinvaxem thấp hơn vaccine tương tự là DPT đã dùng trước đây tại Việt Nam (0,17 ca tử vong/1 triệu liều so với 0,6 ca/1 triệu liều).

Nên đưa trẻ đi chích vaccine phòng bệnh

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (TTYTDP) cho biết việc tiêm vaccine Quinvaxem tại TPHCM tiến hành bình thường do tình hình tiêm chủng tại thành phố vẫn ổn định, chưa ghi nhận bất thường mặc dù đã có thông tin về các ca phản ứng bất lợi ở các tỉnh thành khác. Các lô vaccine nhập về để tiêm ngừa cho trẻ tại TPHCM khác số đăng ký với lô vaccine mà các địa phương có xảy ra sự cố vừa qua.

Hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo về việc ngưng tiêm vaccine tại thành phố, tuy nhiên TTYTDP thành phố đã nhắc nhở các quận huyện cần khám lâm sàng kỹ trước khi chỉ định tiêm ngừa, phải lưu ý kỹ bố mẹ của trẻ về những dấu hiệu bất ổn sau khi tiêm để đưa trẻ đi khám kịp thời. Đồng thời các quận huyện phải rà soát lại vấn đề bảo quản và vận chuyển vaccine đúng quy trình kỹ thuật, nhiệt độ...

Theo ông Siêu, trước khi cho trẻ tiêm vaccine, cha mẹ nên đem theo sổ theo dõi tiêm chủng của trẻ, đồng thời thông báo cho nhân viên y tế biết về tình trạng sức khỏe của trẻ trước đây và hiện nay để nhân viên y tế cân nhắc, tiên lượng trước khi tiêm. Nên trao đổi với nhân viên y tế, bác sĩ khi đưa trẻ đi chích ngừa. Đối với những trường hợp trẻ đang sốt cao, đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mãn tính như lao phổi, thận… không nên cho trẻ đi chích ngừa.


T.Đạt


MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục