Đấu thầu thuốc Tập trung hay bệnh viện tự chủ?

Đấu thầu thuốc tập trung có ảnh hưởng lớn tới hệ thống khám chữa bệnh trên toàn quốc nên Bộ Y tế xác định việc triển khai cần thận trọng với mục tiêu đảm bảo đủ, liên tục nguồn cung ứng. Do vậy, trong giai đoạn đầu sẽ chỉ lựa chọn một số mặt hàng để triển khai và rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng. Đây là thông tin được ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay. Ông Đông cho biết:
Đấu thầu thuốc Tập trung hay bệnh viện tự chủ?

Đấu thầu thuốc tập trung có ảnh hưởng lớn tới hệ thống khám chữa bệnh trên toàn quốc nên Bộ Y tế xác định việc triển khai cần thận trọng với mục tiêu đảm bảo đủ, liên tục nguồn cung ứng. Do vậy, trong giai đoạn đầu sẽ chỉ lựa chọn một số mặt hàng để triển khai và rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân rộng. Đây là thông tin được ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay. Ông Đông cho biết:

Đấu thầu thuốc tập trung là thực hiện theo Luật Đấu thầu. Điều 44 đã quy định rõ: Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Hiện nay, cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, trong đó có Sở Y tế TPHCM. Như vậy, đối với mặt hàng thuốc, việc mua sắm tập trung là phù hợp vì theo Điều 49 Luật Đấu thầu quy định: “Mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương”.

Phóng viên: Thưa ông, vậy bao giờ chúng ta sẽ thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia?

Ông ĐỖ VĂN ĐÔNG: Theo quy định của Nghị định 63/2014, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế hiện đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Có ý kiến cho rằng việc đấu thầu tập trung có ưu điểm, nhưng “lợi bất cập hại”. Tại sao chúng ta lại không giao quyền tự chủ cho các bệnh viện?

Trước hết chúng ta phải làm theo luật. Phương thức đấu thầu tập trung có các ưu điểm rõ ràng đã được Luật Đấu thầu nêu rõ tại tại Điều 44. Hơn nữa, trong thực tế, phương thức đấu thầu tập trung ở 53/63 tỉnh, thành phố đã cho thấy chúng ta tiết kiệm được chi phí so với phương thức mua sắm cũ.

Xin ông cho biết những nhóm thuốc nào sẽ được lựa chọn để đấu thầu quốc gia?

Do đây là phương thức mới, có tầm ảnh hưởng lớn tới hệ thống khám chữa bệnh trên toàn quốc nên Bộ Y tế xác định việc triển khai cần thận trọng. Trước mắt, đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia sẽ lựa chọn các mặt hàng thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc dài ngày, có chi phí điều trị cao như nhóm thuốc ung thư, tiểu đường, tim mạch.

Đối với các thuốc không tổ chức đấu thầu quốc gia sẽ áp dụng biện pháp nào để thuốc vào bệnh viện với giá hợp lý?

Theo quy định tại Điều 77 Nghị định 63/2014, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc mua tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá trên cơ sở đề xuất của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc. Do vậy, đối với các thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nếu thuộc danh mục thuốc đàm phán giá sẽ do Hội đồng đàm phán giá thực hiện, nếu thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương sẽ do các tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung.

Với phương thức đấu thầu mới, liệu thuốc sản xuất trong nước có bị “lép vế” so với thuốc ngoại nhập không, thưa ông?

Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung những quy định rõ ràng trong việc ưu tiên cho thuốc sản xuất trong nước. Thứ nhất, nhà thầu cung ứng thuốc sẽ được hưởng ưu đãi nếu thuốc có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Trong trường hợp này, nếu áp dụng phương pháp giá thấp nhất thì nhà thầu được hưởng ưu đãi tương ứng 7,5% giá dự thầu; hoặc trong trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá sẽ được hưởng ưu đãi 7,5% điểm tổng hợp để đánh giá lựa chọn nhà thầu. Thứ hai, đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.

Với việc bổ sung các quy định trên, cùng với các quy định về chấm điểm ưu tiên trong đánh giá lựa chọn nhà thầu đối với các nhà máy sản xuất thuốc trong nước khi dự thầu trực tiếp, việc phân nhóm thuốc trong đấu thầu thì thuốc trong nước sẽ có nhiều cơ hội trúng thầu cung ứng cho các cơ sở y tế, qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước.

Xin cảm ơn ông!

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục