Báo động công tác phòng chống cháy rừng

Thiếu trang thiết bị chuyên dụng khiến lực lượng tham gia chữa cháy lên đến hàng ngàn người nhưng vẫn không thể dập được những đám cháy rừng. Đó là thực tế mà phóng viên Báo SGGP ghi nhận từ các vụ cháy rừng xảy ra trong mấy ngày qua tại miền Trung.
Vác từng can nước lên núi để bảo vệ đường dây 500kV qua Thừa Thiên - Huế
Vác từng can nước lên núi để bảo vệ đường dây 500kV qua Thừa Thiên - Huế

Trong vụ cháy rừng thông phòng hộ khu vực giáp ranh giữa thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Dù lực lượng được huy động đến hiện trường dập lửa khá đông, nhưng nắng như đổ lửa, gió Tây Nam thổi mạnh, khu vực cháy cây cối rậm rạp, địa hình dốc cao, hiểm trở, khó đưa các phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường nên việc chữa cháy đã không đạt hiệu quả cao. Thêm vào đó phương tiện chữa cháy lại thô sơ, rất khó khăn để tiếp cận, khống chế ngọn lửa. 

Còn vụ cháy rừng thông tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), do đám cháy lưng chừng núi khiến xe chữa cháy và vòi cứu hỏa không thể tiếp cận. Các lực lượng phải mang vác từng can nước, gậy gộc, cành cây vượt núi để dập lửa. Mãi đến 3 giờ sau, đám cháy mới tạm được khống chế. 

Từ thực tế hàng chục vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp tại Bắc miền Trung trong những ngày qua, cho thấy công tác phòng chống cháy rừng kém hiệu quả. Thông là một loài cây rất dễ bắt lửa, thế nhưng nhóm thực bì lại ít được dọn dẹp nên chỉ cần một tàn lửa là bùng cháy.

Bên cạnh đó, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra vào thời điểm nắng nóng kéo dài, gió thổi mạnh nên dù có phát hiện kịp thời thì công tác chữa cháy vẫn bị động do địa hình phức tạp. Hệ thống đường băng cản lửa quá ít và hẹp so với yêu cầu thực tế, nhất là lại được xây dựng từ nhiều năm trước đây, nay đã bị thực bì phủ kín, không còn khả năng ngăn lửa cháy lan. Một nguyên nhân xuyên suốt trong các vụ cháy rừng vừa qua, đó là do người dân chưa có ý thức phòng cháy rừng. 

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, cho biết, rừng phòng hộ dọc đường tránh qua 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy năm nay cháy nhiều một phần là do ý thức của người dân. Giới tài xế, du khách dừng xe ngắm cảnh ở các cánh rừng, núi cát đã vứt tàn thuốc xuống thảm lá khô 2 bên vệ đường gây ra các vụ cháy rừng phòng hộ ven biển.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đang đề nghị các chủ rừng cắm biển “Cấm vứt tàn thuốc vào rừng” dọc đường để cảnh báo. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần quan tâm xây dựng chiến lược phòng chống cháy rừng quốc gia. Mỗi khu vực cần có một máy bay trực thăng phòng cháy chữa cháy để dập lửa, bởi nắng nóng ngày càng cực đoan. 

Theo một cán bộ ban quản lý rừng ở Hà Tĩnh, phần lớn nguyên nhân gây cháy rừng đó là người dân lén lút đốt thực bì để trồng rừng. Có trường hợp bất cẩn khi đốt phụ phẩm nông nghiệp tại những đồng ruộng giáp ranh với rừng gây cháy lan; lén lút đốt lửa lấy mật ong gây cháy và cả cố tình đốt rừng của nhau để phá hoại tài sản vì hiềm khích cá nhân...

Nguy cơ cháy rừng ngày càng cao, trong khi việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Chính quyền các cấp gần như phó mặc chuyện kinh phí cho chủ rừng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho Hà Tĩnh 95 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện 2 dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ rừng cấp bách tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Vườn quốc gia Vũ Quang.

Tin cùng chuyên mục