Bất ổn từ các nền kinh tế mới nổi

Bất ổn từ các nền kinh tế mới nổi

Hội nghị thường niên cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng từ 188 thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) diễn ra tại Lima, Peru từ ngày 9 đến 11-10. Đây là dịp để các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ 188 nước thành viên chia sẻ mối quan tâm của họ về tình hình kinh tế thế giới. Năm nay, các nền kinh tế mới nổi, động lực của tăng trưởng toàn cầu, trên bờ vực khủng hoảng.

Trên bờ vực

Theo IMF, Brazil và Nga đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế, Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại rõ rệt và một chuỗi của các quốc gia mới nổi khác bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela với nền kinh tế trì trệ cùng lạm phát tăng vọt. Các bộ trưởng sẽ thảo luận làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này.

Quỹ tiền tệ quốc tế đã cảnh báo hệ thống tài chính thế giới phải đối mặt với những rủi ro từ các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, trong đó có thể làm giảm 3% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các đại biểu tới hội nghị thường niên IMF và WB tại Lima, Peru

Trong báo cáo toàn cầu mới nhất của mình, IMF cho rằng, thị trường mới nổi có thể là một nguồn bất ổn vì các vấn đề bao gồm sức mua giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, biến động thị trường cổ phiếu và mức độ nợ của các công ty. IMF kêu gọi các chính phủ phải có hành động để giải quyết những thách thức này. Báo cáo chỉ ra Trung Quốc là nước cần quan tâm nhất trong bối cảnh nước này đang hiện đại hóa nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế dựa trên thị trường. Báo cáo của IMF viết: “Các nhà chức trách Trung Quốc phải đối mặt với thách thức chính sách chưa từng có trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới và một hệ thống tài chính dựa vào thị trường. Để đạt được kết quả này sẽ đòi hỏi sự cẩn thận trong cải cách và nhất quán về chính sách”.

Lo ngại nợ tăng cao và Mỹ tăng lãi suất

Theo ABC, báo cáo của IMF cho rằng các công ty tài chính và ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi đã vay khoảng 3,3 ngàn tỷ USD, khoản nợ của họ gấp 4 lần từ năm 2004 đến năm 2014. Nợ của các công ty ngoài lĩnh vực tài chính ở các thị trường mới nổi tăng mạnh từ khoảng 4 ngàn tỷ USD trong năm 2004 lên hơn 18 ngàn tỷ USD trong năm 2014. Điều này đã gây ra nguy cơ thiếu ngoại tệ, đặc biệt với các công ty sản xuất hàng hóa. Hậu quả là thị trường mới nổi phải vay vốn với lãi suất cao hơn, nhất là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì tình trạng này còn gay gắt hơn.

Trong một loạt các văn bản công bố trong tuần này, IMF cảnh báo liên tục về các tác động tiềm năng với kinh tế toàn cầu nếu FED tăng lãi suất. Tại Lima, Chủ tịch FED Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew sẽ được nghe rất nhiều cơ quan đại diện, đặc biệt là từ hoạch định chính sách ở các nền kinh tế mới nổi cảnh báo về tác động của việc FED tăng lãi suất. IMF khẳng định: ngăn chặn một cú sốc tài chính toàn cầu sẽ đòi hỏi FED có chính sách “rõ ràng và nhất quán” trong kế hoạch tăng lãi suất và các thị trường mới nổi sẽ cần phải theo dõi chặt chẽ các rủi ro ngoại tệ từ các công ty.

Trong khi đó, theo IMF, những vấn đề xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay vẫn còn gây ra rủi ro đối với các quốc gia phát triển, bao gồm cả vấn đề nợ công cao. IMF cảnh báo giá trị chứng khoán tại Mỹ, Anh, khu vực đồng Euro và Nhật Bản có khả năng giảm khoảng 20%. kéo theo đà giảm phát của kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ vỡ nợ của công ty sẽ tăng lên, đặc biệt là ở Trung Quốc. Theo IMF, để giảm thiểu rủi ro nợ, Trung Quốc nên dần dần rút hỗ trợ tài chính của chính phủ với các công ty.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục