Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Thời kỳ ô tô tự lái thì không nên sáng chế lại xe đạp“

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đưa ra hình ảnh ví von: "Trong thời kỳ đã phát triển ô tô tự lái thì không nên nghiên cứu, sáng chế lại xe đạp". Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, khi trình độ xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì nên lựa chọn những ứng dụng tiên tiến, hiện đại nhất, chứ không nên “tự nghiên cứu”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưa 15-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã khảo sát thực tế và nghe báo cáo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị của Sở Giao thông vận tải (GTVT).

Mang lại tiện ích cụ thể cho người dân

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh nỗ lực của ngành giao thông thành phố, đặc biệt là việc hình thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (viết tắt là ITS), thuộc Sở GTVT.

Ban đầu, trung tâm này được thành lập để quản lý, khai thác đường hầm vượt sông Sài Gòn. Sau 9 năm nỗ lực, trung tâm đã vươn lên thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh của TPHCM, giúp công tác quản lý giao thông đô thị của TPHCM đứng đầu cả nước.

“Điều này khẳng định, chúng ta đã chủ động áp dụng công nghệ vào thực tiễn, từng bước giải quyết được những vấn đề quan trọng của TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đội ngũ nhân sự đang vận hành trung tâm giao thông thông minh của TPHCM là nguồn nhân lực quan trọng đối với việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Thời kỳ ô tô tự lái thì không nên sáng chế lại xe đạp“ ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Ngay từ khi triển khai đề án đã có những câu hỏi về việc khi nào người dân sẽ được thụ hưởng kết quả từ đề án này”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại và khẳng định, trên thực tế, người dân đã thụ hưởng với những sản phẩm, kết quả cụ thể từ nhiều năm qua. Chẳng hạn, ITS thực hiện điều hành giao thông thông minh giúp giao thông nhiều nơi thông thoáng hơn, cung cấp thông tin về khu vực đang ùn ứ, điểm ngập nước để người dân lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp hơn.

Từ những kết quả trên, đồng chí cũng nhấn mạnh đến việc nâng cấp, phát triển chức năng dự báo của trung tâm khi đã kết nối nhiều hệ thống camera. Bởi vì, dữ liệu từ hệ thống camera ghi nhận được không chỉ phục vụ công tác giám sát, điều hành giao thông mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác mô phỏng, dự báo về tình hình giao thông.

“Trong ngắn hạn, trung tâm giúp điều tiết giao thông hiệu quả. Về dài hạn, trung tâm có cơ sở dữ liệu để dự báo, phục vụ công tác đầu tư, quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và khẳng định, công tác dự báo là rất quan trọng. Bởi lẽ, nếu không dự báo chính xác sẽ có khả năng đầu tư không đúng địa điểm, thời điểm cũng như quy mô đầu tư (phù hợp với từng thời điểm) trong tháo gỡ, cải thiện ách tắc giao thông. Trong khi đó, việc mô phỏng, dự báo sẽ giúp dễ dàng giải tỏa những băn khoăn đã nêu.

Không hạn chế với chính sách thu hút nhân tài

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, TPHCM cần lựa chọn, tiếp cận những ứng dụng tiên tiến, hiện đại nhất. Theo đồng chí, vấn đề này đã được nước ngoài nghiên cứu, hình thành sản phẩm cụ thể với các chức năng hoàn chỉnh và vận hành thành công. Do đó, TPHCM cần tham khảo các kinh nghiệm đó, chứ không nên “tự nghiên cứu”.

“Thời kỳ ô tô tự lái thì không nên sáng chế lại xe đạp”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói, và gợi ý việc tham khảo kinh nghiệm tại các quốc gia đã giải quyết thành công về vấn đề giao thông. Một trong những gợi ý cụ thể là tham khảo kinh nghiệm giải quyết vấn đề giao thông của Seoul (Hàn Quốc). Nơi đây có quy mô dân số cao, diện tích nhỏ hơn TPHCM; đồng thời mức độ tăng dân số cao hơn TPHCM (hiện TPHCM tăng 1 triệu người sau mỗi 5 năm, trong khi Seoul từng tăng 2 triệu người sau mỗi 5 năm - PV)… và từng đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Liên quan đến kế hoạch phát triển ITS trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với việc đề xuất đầu tư ngay 90 camera (giám sát thường xuyên và giám sát khu vực trọng điểm để hạn chế ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông) từ nguồn thu phí xử phạt vi phạm giao thông. Đồng chí gợi ý việc mở rộng thực hiện giai đoạn 2 ITS ra một số quận, huyện có mật độ giao thông tương đối cao.

Tuy nhiên, để kế hoạch thực hiện hiệu quả, khả thi thì TPHCM cần phải xác định được đối tác hợp tác lâu dài. Yêu cầu đặt ra là những đối tác này phải “tiêu biểu về trí tuệ” và có chương trình hợp tác lâu dài với TPHCM. Qua đó, TPHCM mời các chuyên gia, đối tác này hỗ trợ TPHCM đánh giá lại kết quả thực hiện Trung tâm Điều hành giao thông thông minh giai đoạn 1, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển tiếp theo.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định sẽ không hạn chế về cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh.

“Cách đây 20 năm, chúng ta đã khổ sở về chính sách đối với nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những người giỏi trong lĩnh vực này không vào làm trong Nhà nước. Hiện nay, tình trạng cũng tương tự”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.

Do đó, đồng chí yêu cầu phải xây dựng chính sách thu hút nhân lực cho việc phát triển TPHCM thành đô thị thông minh. Đây là chính sách đối với vài trăm, vài ngàn người trong một thành phố 10 triệu dân nên không được cào bằng. Khi TPHCM đặt ra yêu cầu cao về trình độ, năng lực thì phải có khoản thu nhập tăng thêm tương xứng. Nghị quyết 54 của Quốc hội đã cho phép TPHCM thực hiện, nên cần xây dựng chương trình về nhân lực cho đô thị thông minh cùng chính sách thu hút nhân tài, ít nhất trong vòng 5 năm tới. Thực tế, mức độ hỗ trợ đối với những nhân tài này không bao nhiêu so với những kết quả mà họ tạo ra đối với TPHCM, khi có chính sách thu hút, đãi ngộ đúng mức.

Đề xuất thí điểm quy trình phạt nguội vi phạm giao thông

Trước đó, báo cáo với đoàn, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thông tin, Sở GTVT đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trong đó, Sở xây dựng ITS, có chức năng giám sát, vận hành và điều khiển giao thông. Trung tâm cũng so sánh thông tin về tình hình giao thông hiện hữu với dữ liệu được tính toán để quyết định điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông tại 188 nút giao thông quan trọng phù hợp.

Trung tâm còn cung cấp thông tin (qua trang web http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn hoặc ứng dụng TTGT TP Hồ Chí Minh) về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường, công cụ tìm đường giúp người tham gia giao thông có thể lựa chọn lộ trình lưu thông hợp lý, tránh đi qua các khu vực đang ùn tắc…

Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục hoàn thiện, đánh giá để xây dựng ITS hoàn chỉnh với quy mô toàn thành phố.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Thời kỳ ô tô tự lái thì không nên sáng chế lại xe đạp“ ảnh 2 Trung tâm Điều hành giao thông thông minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT cũng thông tin một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa đầy đủ; tiêu chuẩn Việt Nam về kiến trúc tổng thể cho hệ thống giao thông thông minh vẫn chưa được ban hành. Việc thuê dịch vụ hạ tầng truyền dẫn để kết nối các thiết bị từ các nhà mạng viễn thông bộc lộ hạn chế về chi phí, độ ổn định, băng thông, an ninh.... Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch hệ thống hạ tầng truyền dẫn đồng bộ phục vụ đô thị thông minh.

Tại buổi làm việc, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cũng phân tích sự bất cập trong xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh.

Theo Đại tá Phóng, công việc này đã được CSGT TPHCM thực hiện 15 năm qua. Ban đầu, các CSGT dùng camera ghi hình phạt nguội và hiện nay là sử dụng hình ảnh từ các camera giao thông, trong đó có hình ảnh từ ITS. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ xử phạt chỉ đạt được 30%. Nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp trên, đặc biệt là hiện nay chưa có quy trình xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh. Trước bất cập này, Công an TPHCM đã kiến nghị Cục CSGT ban hành quy trình chung để áp dụng thống nhất trên cả nước, trong đó có TPHCM.

Liên quan đến vướng mắc trong phạt nguội vi phạm giao thông, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi ý đến việc vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo đó, Công an TPHCM cần chủ động tham mưu về quy trình tạm thời và thực hiện thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh theo quy trình này. Sau một giai đoạn thí điểm, TPHCM sẽ báo cáo Bộ Công an, Bộ GTVT về kết quả để có thể hoàn chỉnh, tiếp tục triển khai rộng rãi hơn.

“Trong tháng 8-2019, UBND TP bàn quy trình đề xuất thí điểm, trong đó phải nêu biện pháp đối với những trường hợp ghi hình đã được mời nhưng không đến”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục