Làm mới vỉa hè, bức tử cây xanh: Siết chặt trách nhiệm

Như Báo SGGP đã liên tiếp có tin, bài phản ánh về tình trạng các đơn vị thi công làm mới vỉa hè ở TPHCM đã xâm hại cây xanh, dẫn đến rất nhiều cây, trong đó có không ít cây cổ thụ, bị đốn hạ. Vậy trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây xanh của đơn vị chức năng đã thực sự nghiêm túc?

La liệt cây bị đốn hạ

Thời gian gần đây, người dân sinh sống và làm việc tại một số tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt cây xanh bị đốn hạ trong quá trình thi công cải tạo vỉa hè. Tối 28-4 vừa qua, thêm một cây dầu số 416 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 bị đốn hạ, nâng tổng số cây bị đốn hạ trên tuyến đường này lên 18, chỉ trong một thời gian... rất ngắn. Tiếp sau đó, cây dầu đánh số 334 cũng chung “số phận”.

Trước đó, theo báo cáo giám sát của cơ quan chức năng, từ cuối tháng 3 trở về trước, tổng số cây xanh bị ảnh hưởng trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường An Bình) là 185 cây, trong đó đã chặt hạ 7 cây, dự kiến chặt tiếp 9 cây.

G5b.jpg
Một cây xanh cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM bị đốn hạ

Cũng ở địa bàn quận 5, trên đường Mạc Thiên Tích, đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Phước Hưng, 12 cây đã bị chặt hạ; trên đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Châu Văn Liêm, đã chặt hạ 11 cây; trên đường Ngô Nhân Tịnh chặt hạ 1 cây; trên đường Trang Tử chặt hạ 3 cây. Tương tự, tại quận 11, một loạt cây xanh cũng bị chặt hạ do quá trình thi công làm mới vỉa hè gây tróc rễ.

Cụ thể, trên đường Hàn Hải Nguyên, đơn vị chức năng đã chặt hạ 29 cây, kế hoạch sau đó sẽ chặt tiếp 2 cây; trên đường Trần Quý có 5 cây bị chặt hạ; đường Lê Đại Hành (đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến đường 3 Tháng 2) theo kế hoạch sẽ chặt 2 cây; đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Bình Thới đã chặt 5 cây. Riêng trên đường Lữ Gia, đơn vị chức năng đã chặt hạ 3 cây và lên kế hoạch chặt tiếp 3 cây; đường Nguyễn Thị Nhỏ, có kế hoạch chặt 3 cây. Việc chặt cây xanh cũng diễn ra trên đường Lý Thường Kiệt với 7 cây bị đốn hạ...

Theo thống kê của Trung Tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, đến cuối tháng 3, số lượng cây xanh phải xử lý chặt hạ, thay thế vì nguy cơ mất an toàn do quá trình thi công, nâng cấp, sửa chữa vỉa hè là 90 cây, xảy ra trên địa bàn các quận 1, 5, 11 và Tân Bình. Đó là chưa kể đến số lượng cây xanh bị xâm hại trong quá trình triển khai thi công làm mới vỉa hè.

Phải có hội đồng quản lý cây xanh

Theo kế hoạch, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2040 đạt diện tích cây xanh đô thị không dưới 1,5m²/người, tương đương với khoảng 16.500ha cây xanh cho 11 triệu dân. Tuy nhiên trên thực tế, theo các số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TPHCM, diện tích cây xanh đô thị trung bình hiện chỉ đạt khoảng 0,7-0,9m²/người, thấp hơn nhiều so với khuyến nghị tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới là 9m²/người. Mặc dù thành phố đặt mục tiêu tăng diện tích cây xanh lên hơn 1,5 m²/người vào năm 2040, nhưng nhiều dự án công viên, đặc biệt là công viên quy mô lớn, vẫn đang triển khai chậm chạp.

G1d.jpg
Thi công vỉa vè hạ cốt nền khiến một gốc cây lồi lên. Ảnh: QUỐC HÙNG

Làm thế nào để có giải pháp quản lý, bảo vệ cây xanh hiệu quả? Nhiều chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch đô thị và môi trường đã cảnh báo về sự thiếu nhất quán, quản lý cây xanh lỏng lẻo như hiện nay sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái và chất lượng sống đô thị.

Về giá trị cây xanh đô thị, GS-TS Võ Trung Tín (Khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc TPHCM) cho rằng, cây cổ thụ có giá trị hàng chục, thậm chí cả trăm năm tuổi, không thể thay thế đơn thuần bằng những cây mới trồng nhỏ bé. Giá trị sinh thái, cảnh quan và cả văn hóa mà một hàng cây cổ thụ mang lại là vô giá, cần được xem như một phần di sản đô thị. Cây xanh không chỉ mang lại vẻ đẹp cảnh quan mà còn có vai trò then chốt trong việc điều hòa vi khí hậu, giảm ô nhiễm, hạn chế tiếng ồn và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, KTS Trần Hữu Ngọc (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) nhận xét, trong hầu hết các trường hợp thi công vỉa hè hay cải tạo hạ tầng, việc giữ gìn cây xanh là hoàn toàn khả thi.

“Các đô thị lớn như TPHCM nên áp dụng công nghệ hiện đại như bó rễ, đào bứng không làm tổn thương thân cây, dùng GPS và cảm biến để theo dõi sự phát triển của cây lâu năm. Những công nghệ này đã phổ biến ở nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản, giúp bảo tồn cây xanh hiệu quả”, ông Ngọc đề xuất.

Theo TS Lê Hữu Tiến (chuyên gia về quản trị đô thị), một giải pháp cần được nghiên cứu triển khai, là nên thành lập một hội đồng thẩm định cây xanh độc lập, bao gồm chuyên gia sinh học, quy hoạch, kiến trúc, cộng đồng dân cư và đại diện chính quyền. Hội đồng này sẽ xem xét các đề xuất đốn hạ hoặc thay thế cây, đảm bảo mọi quyết định đều có cơ sở khoa học, minh bạch và được sự đồng thuận từ xã hội.

Không nên để toàn bộ quyền quyết định cây sống hay chết vào một đơn vị nào đó, dễ dẫn đến lạm quyền và lợi ích nhóm, đặc biệt trong những dự án lớn có chi phí cải tạo vỉa hè hoặc mở rộng đường phố. Việc chặt cây cổ thụ cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Thay vì loại bỏ, nên ưu tiên điều chỉnh thiết kế để giữ cây. Nếu bắt buộc phải đốn hạ thì phải có kế hoạch trồng lại với mật độ, chủng loại phù hợp để bù đắp cho hệ sinh thái.

Tin cùng chuyên mục