
“Du khảo” 10 loại hình di sản nổi bật tại TPHCM
Di sản văn hóa đô thị, có thể hiểu một cách cụ thể là tập hợp các địa điểm, vị trí, khu phố, các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Từ đặc điểm lịch sử của quá trình hình thành và phát triển, có thể nhận biết hệ thống di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM là những di tích, công trình phản ánh sự phát triển và đời sống văn hóa của đô thị, gồm có 10 loại hình, niên đại từ thời tiền sử đến giữa thế kỷ 20.
Chúng ta cùng khám phá 10 loại hình di sản nổi bật ngay tại TPHCM. Trước hết là hai loại hình di tích khảo cổ học (dưới mặt đất và trên mặt đất), đây là hệ thống gồm hơn 30 di tích khảo cổ học thời tiền - sơ sử niên đại khoảng 3.000-2.000 năm cách ngày nay, cùng những địa điểm có dấu tích của thời kỳ Văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam.
Các di tích này nằm dưới mặt đất, được phát hiện và nghiên cứu qua công tác khai quật khảo cổ học. Loại hình này tập trung ở khu vực cao (TP Thủ Đức) và vùng rừng ngập mặn (huyện Cần Giờ). Tại Cần Giờ có 1 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia là Giồng Cá Vồ. Tại quận 8, di tích lò gốm cổ Hưng Lợi tiêu biểu cho làng nghề gốm Sài Gòn nổi tiếng hồi thế kỷ 18-19.

Về cảnh quan đô thị, đặc điểm cảnh quan khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn dựa vào hai yếu tố chủ yếu: đô thị sông nước (sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé) và đô thị kiểu phương Tây (các tuyến đường chính vuông góc hoặc song song với sông, rạch tạo thành ô bàn cờ). Khu trung tâm có chức năng hành chính, thương mại dịch vụ có các kiểu kiến trúc phù hợp.
Một số cảnh quan như Bến Bạch Đằng, bùng binh Nguyễn Huệ, bùng binh Chợ Bến Thành, đường Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng... là điển hình của di sản cảnh quan đô thị Sài Gòn.
Cảnh quan khu vực trung tâm được coi là “diện mạo đô thị” về quy hoạch, kiến trúc, đồng thời phản ánh lịch sử và văn hóa của đô thị đó. Tại nhiều quốc gia, cảnh quan đô thị là khu vực luôn được chú trọng bảo tồn để gìn giữ lịch sử và văn văn hóa đô thị, từ đó phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch rất tốt.
Di sản đô thị phản ánh quá trình lịch sử, đặc trưng văn hóa và cách thức bảo tồn của cộng đồng và chính quyền. Di sản đô thị có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng, được lưu truyền qua các di tích lịch sử, qua ký ức thị dân, mang lại cho dân cư tri thức, hiểu biết và tình cảm với thành phố.
Đồng thời di sản đô thị còn có giá trị kinh tế, là một nguồn vốn xã hội to lớn nếu sử dụng và khai thác hợp lý sẽ góp phần quan trọng xây dựng TPHCM hiện đại, nhân văn và phát triển bền vững.
Với loại hình công trình kiến trúc, TPHCM có một số công trình công sở, công trình văn hóa, giáo dục tập trung ở quận 1, quận 3, quận 5 phản ánh đặc trưng kiến trúc của đô thị Sài Gòn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Trong khi đó, nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm đền, đình, lăng, miếu, nhà thờ, hội quán, thánh thất, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường... phản ánh sự đa dạng về nguồn gốc và sự hòa hợp văn hóa của các cộng đồng dân cư trong tiến trình lịch sử thành phố.

Còn công trình cư trú, loại hình nhà ở phổ biến và là hình thái kiến trúc đặc trưng của người Việt, người Hoa ở vùng Gia Định xưa là “nhà cổ truyền” và những công trình kiến trúc “Đông - Tây kết hợp”.
Đó là những ngôi nhà xưa kiến trúc kiểu Pháp kết hợp với cảnh quan nhà vườn, bố trí nội thất theo kiểu truyền thống. Liền kề trung tâm là khu vực cư trú kiểu biệt thự phương Tây, có sân vườn và thiết kế xây dựng thích nghi với khí hậu nhiệt đới.
Về di tích hạ tầng đô thị và công nghiệp, Sài Gòn là nơi hình thành các cơ sở công nghiệp phục vụ cho đô thị khá sớm, đó là nhà máy điện (nhà đèn), hệ thống cấp nước; sau đó là một số cơ sở công nghiệp như Công xưởng Ba Son (từ xưởng thủy thời Nguyễn), hệ thống nhà máy xay xát lúa gạo ven Bến Bình Đông, hệ thống bến cảng…
Tất cả đã phản ánh một đô thị có nền công nghiệp sớm, nền kinh tế giao thương - dịch vụ mạnh mẽ, được nối tiếp bằng TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.
Đối với loại hình di tích mộ táng, lăng mộ, vùng đất Gia Định - Sài Gòn là nơi tập trung số lượng lăng mộ của Hoàng gia triều Nguyễn và các quan lại đại thần (chỉ đứng sau khu Kinh đô Huế).
Trong số những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của TPHCM, có 4 di tích thuộc loại hình lăng mộ cổ, tiêu biểu là Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh).

Với di tích thành lũy, thành lũy ở Sài Gòn được xây dựng sớm nhất là “Lũy Bán Bích” (năm 1772). Thành Gia Định - Thành Quy (năm 1790) được chúa Nguyễn Ánh xây dựng theo mô hình của châu Âu. Năm 1835 vua Minh Mệnh đã phá bỏ và xây dựng một thành nhỏ hơn ở phía Đông Bắc thành cũ.
Đặc biệt, quần thể di tích của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đã góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa cho vùng đất Gia Định. Khu vực Chợ Lớn là một quần thể nhiều loại hình di tích kiến trúc thể hiện đậm nét văn hóa, lối sống, tín ngưỡng của người Hoa. Loại hình đặc trưng là di tích miếu (còn được gọi là hội quán, đình, chùa) thuộc nhiều nhóm cộng đồng người Hoa khác nhau.
Ngoài ra còn có các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng, tôn giáo, thương nghiệp… hợp thành cảnh quan đô thị Chợ Lớn.
Khai thác “lợi nhuận” từ di sản văn hóa
Tại TPHCM, các di sản văn hóa phải trải qua một thời gian dài chưa được con người nhận thức đầy đủ về các giá trị, do ảnh hưởng thiên kiến về văn hóa “truyền thống” và “ngoại lai”, định kiến về “ta” - “địch”.
Vì vậy, di sản văn hóa đô thị đã có thời điểm không được trân trọng, sử dụng và giữ gìn tương xứng với giá trị. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn nên chưa đủ điều kiện vật chất và nhân lực bảo tồn di sản văn hóa đến nơi đến chốn…

Khoảng mười năm gần đây, ý thức và nhận thức về di sản văn hóa trong cộng đồng được nâng cao thông qua các công trình khoa học, khảo cứu, văn học... cùng với nhiều chính sách của nhà nước và chính quyền thành phố.
Tính chất khác biệt độc đáo nhất của di sản văn hóa là sự không thể tái tạo hoặc thay thế, khác với những tài sản có giá trị kinh tế khác. Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng.
Bởi vì “lợi nhuận” từ kinh tế di sản không phải là “tiền tươi thóc thật”, “ngay lập tức” mà cũng cần được khai thác phù hợp như mọi nguồn tài nguyên khác, hướng đến bảo toàn nguồn tài nguyên cho phát triển bền vững. Kinh nghiệm của nhiều đô thị, nhiều quốc gia trong việc khai thác “lợi nhuận” từ di sản văn hóa là:
Bảo tồn cảnh quan cho khu vực di sản văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa đặc thù của một thời. Sự tồn tại của di sản trong cảnh quan phù hợp góp phần làm tăng giá trị của cả khu vực và là điểm nhấn cho cả vùng.
Tăng cường không gian công cộng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, qua đó truyền tải ý nghĩa và giá trị di sản đến với cộng đồng, tạo thói quen và ký ức cho cộng đồng về di sản văn hóa.
Phát triển du lịch địa phương, các dịch vụ cho du lịch, các nghề thủ công, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, thậm chí cả lối sống nếp sống của cộng đồng cũng là một sản phẩm du lịch.
Gia tăng giá trị bất động sản tại khu vực di sản văn hóa, bởi sự thu hút khách du lịch và phát triển hoạt động thương mại dịch vụ cho du lịch, đồng thời là gia tăng giá trị văn hóa bởi sống ở khu vực di sản không chỉ giàu có về tiền bạc mà còn thể hiện giàu có về tri thức văn hóa.

Với tuổi đời hơn 300 năm, đô thị Sài Gòn - TPHCM đã trải qua nhiều biến cố chính trị lớn. Năm 2025, TPHCM cùng cả nước ghi nhận một dấu mốc quan trọng: 50 năm hòa bình thống nhất và bước vào kỷ nguyên mới của đất nước!
Từ nhận thức khoa học và thực tiễn đã cho thấy giá trị nhiều mặt của di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM có những đóng góp nhất định vào thành tựu kinh tế - xã hội chung mà thành phố đóng góp cho cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa ở TPHCM không tránh khỏi những tác động tiêu cực và phá vỡ “tính hệ thống” đến những di sản đô thị.
Ngày nay ở khu vực trung tâm đô thị, nơi lưu giữ đậm đặc các công trình di sản có giá trị bất động sản cao nên các nhà đầu tư không quan tâm đúng mức đến giá trị di sản của công trình. Đây là một trở ngại, thậm chí là một tác động tiêu cực đến sự tồn tại và việc bảo tồn di sản văn đô thị nói riêng và di sản văn hóa nói chung.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị là một phương thức xây dựng đô thị hiện đại về vật chất nhưng có không gian sống với chiều sâu ký ức lịch sử - văn hóa. Bảo vệ di sản văn hóa chính là để con người hôm nay và mai sau sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.