Biết gạn lọc, phân tích thông tin trên mạng

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin khiến nhiều người hoang mang. Những thông tin ấy dù chưa được kiểm chứng, thậm chí là không có thật, nhưng lại được nhiều người chia sẻ và bàn luận. Hiện tượng này phản ánh những vấn đề tâm lý xã hội trong đời sống hiện nay.

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin khiến nhiều người hoang mang. Những thông tin ấy dù chưa được kiểm chứng, thậm chí là không có thật, nhưng lại được nhiều người chia sẻ và bàn luận. Hiện tượng này phản ánh những vấn đề tâm lý xã hội trong đời sống hiện nay.

Trước hết là nhu cầu được chú ý, được quan tâm của con người. Đây là một nhu cầu bình thường, bởi ai cũng mong được người khác quan tâm, chú ý, và những người tạo ra những thông tin giật gân ấy cũng nằm trong cái lô gích này, tức là mong được nhiều người quan tâm, chú ý đến mình. Nhưng vì thiếu khả năng để được quan tâm bằng những hành động hợp chuẩn (như đạt thành tích cao trong công việc hay học tập…), nên họ dùng những phương pháp phi hợp chuẩn khác, mà cụ thể là tạo ra các thông tin giật gân trên trang mạng cá nhân nhằm thu hút được sự chia sẻ và quan tâm của nhiều người. Điều này cũng tương tự như việc một số người trong giới nghệ sĩ không có khả năng tạo sự chú ý bằng tài năng thì dùng đến các scandal vậy.

Nhưng vì sao những tin đồn lại có thể có đất sống? Việc có nhiều người dễ dàng tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng cũng phản ánh một điều khác nữa, đó là do chưa được trang bị những kỹ năng gạn lọc, phân tích thông tin để biết đâu là thông tin thật và đâu là những thông tin không có thật. Điều này lại cho thấy một trong những khiếm khuyết khác của nền giáo dục là đã không trang bị cho người học những kỹ năng nhận diện, phân tích thông tin, nên khi trưởng thành họ không biết cách xử lý thông tin và dễ dàng tin vào những tin đồn giật gân.

Và cũng phải nhìn một cách công bằng là có lúc có nơi, các thông tin trên các trang mạng không chính thống sau đó lại trở thành những thông tin chính xác, khiến người dân càng có cơ sở để tin vào những gì được truyền tải trên mạng hơn. Đồng thời, khi sống trong một xã hội còn có quá nhiều điều bất trắc, quá nhiều rủi ro, thì những thông tin mang tính “rủi ro” sẽ dễ dàng nhận được sự quan tâm hơn.

Do đó, tạo dựng được một xã hội an toàn, thông tin đầy đủ, nhanh và chuẩn xác sẽ là một cách thức hữu hiệu để những tin đồn mang tính giật gân, gây hoang mang sẽ không còn đất sống.

Thạc sĩ Xã hội học LÊ MINH TIẾN

Tin cùng chuyên mục