Các tỉnh phía Bắc khẩn trương chống rét cho cây trồng và gia súc

Lúa mạ chết rét hàng loạt
Các tỉnh phía Bắc khẩn trương chống rét cho cây trồng và gia súc

Rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã làm chết trên 50.000 ha lúa, 5.000 ha mạ; 8.328 con trâu bò... gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngày 13-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp bất thường bàn giải pháp khắc phục những khó khăn trên.

Lúa mạ chết rét hàng loạt

Các tỉnh phía Bắc khẩn trương chống rét cho cây trồng và gia súc ảnh 1

Nông dân xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Tây) chống rét cho mạ xuân. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Theo thống kê sơ bộ, đến nay các tỉnh Bắc Trung bộ đã cấy trên 70% diện tích, miền núi phía Bắc đạt 50% diện tích, vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã hoàn thành đổ ải trên 80% diện tích, trong đó gieo cấy được 15%. Sau khi nhu cầu nước cho sản xuất đã được đảm bảo tương đối đầy đủ với 2 đợt xả nước chống hạn từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, thì công tác chống rét được coi là nhiệm vụ trọng tâm tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ.

Tuy nhiên, đến nay đã có 53.315 ha lúa bị chết. Đặc biệt lo ngại hơn là diện tích gieo mạ để cấy lúa vụ chiêm xuân cũng có tới 5.165 ha bị chết, hàng chục nghìn ha lúa khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. “Nếu tiếp tục cho cấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về năng suất” - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Trí Ngọc cho biết.

Các tỉnh Bắc Trung bộ, miền Bắc có diện tích lúa và mạ xuân cấy trước Tết Nguyên đán bị chết nhiều là Thanh Hóa (10.370 ha), Nghệ An (10.460 ha), Phú Thọ (7.400 ha), Bắc Giang (1.500 ha), Hải Dương (7.000 ha), Hải Phòng (7.000 ha), Thái Bình (10.000 ha), Hà Tây (5.000 ha)...

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, những diện tích lúa cấy và mạ gieo trước Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày gặp đúng đợt rét đậm, rét hại nên bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt đối với các giống lúa thuần, kém chịu rét các chân ruộng không đủ nước, các diện tích mạ không được che phủ ni lông đúng kỹ thuật...

Các tỉnh phía Bắc khẩn trương chống rét cho cây trồng và gia súc ảnh 2

Che kín chuồng trại và đốt lửa sưởi ấm cho đàn heo sinh sản ở hộ chăn nuôi xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Tình trạng lúa, mạ chết nhiều đã khiến một số nông dân nảy sinh tâm lý chán nản, muốn bỏ ruộng do việc cấy vừa tốn công, lại làm tăng thêm chi phí. Ước tính, để gieo cấy lại số diện tích lúa, mạ bị chết sẽ cần khoảng 250 tấn giống lúa các loại. Trong khi đó, nhiều diện tích đậu phộng, đậu tương, canh tác tại các khu vực chuyển đổi do thiếu nước tưới, vừa gieo xong gặp rét cũng bị thối hạt hoặc thui mầm.

Để khắc phục khẩn cấp những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị sẵn phương án dự phòng để xuất đủ thóc giống gieo mạ thay thế cho những diện tích đã bị chết, để người dân có thể cấy lúa đúng thời vụ. Ngay trước mắt, các địa phương phải đôn đốc việc kiểm tra đồng ruộng, thống kê diện tích mạ, lúa bị thiệt hại để phân loại, có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với những diện tích lúa bị chết trên 50% số khóm phải bổ sung ngay bằng giống lúa ngắn ngày, những diện tích chết dưới 50% cần tiếp tục giữ lớp nước nông đảm bảo cây lúa phát triển tốt để tiến hành dồn, dặm đảm bảo mật độ...

Các địa phương cần huy động tổng lực các nguồn giống của các công ty, giống nhập khẩu, giống do các hộ nông dân tự sản xuất đảm bảo chất lượng, đảm bảo đầy đủ nguồn giống, mạ để có thể triển khai cấy đồng loạt ngay sau khi thời tiết ấm lên, kết thúc cơ bản việc gieo cấy tại miền Bắc trước ngày 5-3. Đồng thời, các địa phương cũng cần khẩn trương lấy nước vào đồng, hồ chứa để đổ ải, chuẩn bị tưới dưỡng cho cây lúa trong đợt xả nước chống hạn thứ 3 bắt đầu vào khoảng ngày 27 và 28-2.

Trước tình hình rét đậm, rét hại, ngoài việc che phủ nilon, rất nhiều hộ nông dân ở phía Bắc đã đốt đống giữ lửa bằng trấu tại các diện tích mạ để giữ ấm cho mạ.

Chuyển thức ăn từ đồng bằng lên núi cho gia súc

Các tỉnh phía Bắc khẩn trương chống rét cho cây trồng và gia súc ảnh 3

Người chăn nuôi phải trùm bao giữ ấm cho bò. Ảnh: MINH PHONG

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT), tính đến sáng ngày 13-2, số trâu bò bị chết rét tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ đã lên đến 8.328 con (tăng 3.000 con so với ngày 12-2). Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa... hầu hết số trâu, bò chết rơi vào những con già và con non (bê, nghé) với hai nguyên nhân chính là chết rét và thiếu thức ăn.

Sự khắc nghiệt của thời tiết đã khiến người dân cũng như chính quyền địa phương vẫn đang rất lúng túng về các biện pháp chống rét, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết, rất nhiều trâu, bò chết do người dân chủ quan không che chắn kỹ chuồng trại mà vẫn để thả rông hoặc do không dự trữ đủ thức ăn thô xanh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư quốc gia Tống Khiêm cũng nêu lên thực tế hầu hết trâu bò chết thuộc các hộ gia đình nghèo vốn không có đủ điều kiện tuân thủ biện pháp chống rét như khuyến cáo cũng như có tiền để mua, trữ thức ăn khi trời rét... Không dừng lại ở đó, số lượng trâu bò chết sẽ tiếp tục gia tăng ngay cả khi trời đã hết rét do sức khỏe của chúng đã bị suy kiệt trong hơn 1 tháng rét đậm, rét hại. Ngoài các biện pháp giữ ấm cho gia súc, gia cầm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị thêm nhiệm vụ điều chuyển thức ăn thô xanh và thức ăn có chất dinh dưỡng từ đồng bằng lên các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc để chống rét cho trâu bò.

Đối phó với giá rét, nhiều nơi tại Bắc bộ, người chăn nuôi cũng đã “mặc áo” cho vật nuôi bằng những mảnh bao tải và chiếc áo không sử dụng nữa. Nhiều gia đình cũng không thả trâu bò ra đồng gặm cỏ mà nhốt ở nhà cho ăn rơm, dây khoai lang băm phơi khô. Một số hộ gia đình tăng cường thêm dinh dưỡng cho đàn gia súc bằng cám hoặc củ khoai lang.

Văn Nghĩa

Nghệ An: Trên 13 ngàn ha lúa và hoa màu bị chết vì giá rét

Chiều 13-2, ông Nguyễn Thọ Cảnh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Theo thống kê sơ bộ cho đến thời điểm hiện tại, đợt giá rét kéo dài vừa qua đã làm 10.500 ha lúa của địa phương này bị chết, trong số này có đến 60% là lúa gieo sạ.

Các huyện có diện tích lúa bị chết nhiều là Nghi Lộc: 2.400 ha, Đô Lương: 1.500 ha, Diễn Châu: 1.500 ha, Nam Đàn: 1.300 ha, Hưng Nguyên: 950 ha... Ngoài diện tích lúa, diện tích đậu phộng cũng bị chết trên 3.100 ha. UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định hỗ trợ 70% giá giống lúa lai để bà con nông dân gieo cấy lại diện tích lúa bị chết, chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan tiến hành cung ứng giống đảm bảo chất lượng, năng suất và kịp thời vụ cho dân; UBND các huyện trích thêm ngân sách hỗ trợ...

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở NN-PTNT và các địa phương liên quan hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để trực tiếp xuống chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sản xuất, chống rét cho lúa, hoa màu và gia súc.

D. Cường

Phản hồi bài báo: “Trâu bò chết rét hàng loạt tại Quảng Bình - Người dân lao đao”
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vào cuộc giúp dân

* UBND huyện Minh Hóa giúp dân chống rét cho gia súc 50 triệu đồng

Ngày 11-2 Báo SGGP đăng bài “Trâu bò chết rét hàng loạt tại Quảng Bình: Người dân lao đao”, phản ánh tình trạng trâu bò tại hai huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa chết rét hàng loạt nhưng địa phương và thú y chưa có biện pháp giúp dân khắc phục những thiệt hại quá lớn do rét đậm, rét hại gây nên. Sau khi báo đăng, ngày 13-2 ông Trần Văn Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Bình đã triển khai đoàn công tác lên hai huyện rẻo cao Minh Hóa, Tuyên Hóa thị sát tình hình thực tế.

Tại đây, cán bộ thú y đã thống kê sơ bộ tại hai huyện có đến hơn 1.110 con trâu bò đã bị chết do rét. Đây là số liệu chưa đầy đủ do địa phương thôn xã chưa thống kê hết được rất nhiều trâu bò chết do người dân thả rong trong rừng. Tiếp đó cán bộ thú y vận động bà con có cách giữ ấm cho trâu bò bằng một số biện pháp giữ ấm dân gian nhằm hạn chế trâu bò chết rét như đốt vỏ trấu sưởi ấm, cho uống nước muối… Tuy nhiên, theo ghi nhận, gia súc chết rét vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày tại hai huyện có hàng chục con trâu bò bị chết.

Trước tình hình đó, UBND huyện Minh Hóa đã trích 50 triệu đồng hỗ trợ người dân mua bạt che chắn chuồng trại, mua thêm cỏ dưới xuôi chở lên cho trâu bò ăn. Hiện tại, tình trạng trâu bò chết rét tại Quảng Bình đã lan sang thêm hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, tuy nhiên hai địa phương này chưa có số liệu thống kê chính thức. Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, cũng do rét đậm rét hại kéo dài nên đến nay tỉnh đã có 192 con trâu bò bị chết. Số gia súc này chủ yếu tập trung ở các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải (huyện Hương Khê), Đức Liên, Đức Hương (huyện Vũ Quang).

M. Phong

Tin cùng chuyên mục