Cái giá phải trả!

Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: Việt Nam chỉ có 2% dân số được học hành từ 13 năm trở lên, tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực.Và, VN xếp hạng chót trong khu vực với tỷ lệ 10% người trong độ tuổi 20-24 học ĐH. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan là 41% và Hàn Quốc là 89%.

Rõ ràng đây là những con số mà các nhà quản lý giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ trước cơ đồ phát triển lâu dài của đất nước.

Số người đi học thấp, song chi tiêu cho giáo dục của toàn dân VN lại quá cao. Theo TS Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc tại New York thì: chi tiêu cho giáo dục ở VN năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%, Hàn Quốc 7,1%... Với chi tiêu trên, dân VN phải chi trả cho GD-ĐT tới 40%, dân các nước phát triển cao chi trả có 20%.

Trong khi đó, tại một buổi họp báo mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lại khẳng định: “Học phí chắc chắn sẽ phải tăng, có thể phải chấp nhận cả việc số người đi học sẽ giảm vì tăng học phí”!!

Đã có nhiều lời can gián của các nhà giáo dục trong và ngoài nước về cung cách tăng học phí của các nhà quản lý giáo dục VN. GS Nguyễn Xuân Hãn nói thẳng: “Cấp phổ cập GD không thu học phí được xem như một nguyên tắc cho mọi thể chế” và nội dung này nhận được sự đồng tình của GS Trần Văn Thọ (Tokyo), GS Bùi Trọng Liễu (Paris), ông Vũ Quang Việt (Mỹ). Ngay GS Phạm Phụ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục VN cũng đã phải kêu lên: Tăng học phí sao để người nghèo không phải rơi nước mắt! Với GS Hoàng Tụy: Xã hội hóa không phải là đẩy gánh nặng cho dân! Và ông khẳng định chất lượng giáo dục kém hoàn toàn không phải do thiếu tiền! Nhận định này hoàn toàn phù hợp với đóng góp của nhóm GS ĐH Harvard mà Bộ GD-ĐT VN nhờ giúp nghiên cứu về thực trạng và hướng ra cho giáo dục VN, và khuyến cáo đầu tiên các vị GS này đề cập đến là: chương trình giáo dục bất cập!

Không phải ngẫu nhiên mà GS Malcom Gillis, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ học bổng Việt Nam-Hoa Kỳ (VEF), nguyên Chủ tịch ĐH Rice, lại tâm đắc với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, và ông đã treo câu này ngay tại phòng làm việc ở ĐH Rice. Mà theo ông, tương lai thế giới sẽ có 3 loại quốc gia: những nước thông minh, những nước thông minh hơn và những nước thông minh nhất. Sự khác biệt sẽ do cách mỗi quốc gia đầu tư vào giáo dục.

Vậy, tương lai Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào? Hay không có vị trí nào cả, nếu như chúng ta chịu chấp nhận một bộ phận nhân dân thất học vì nghèo!?

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục