Cải tạo “bộ mặt” xe buýt

Theo Sở GTVT TPHCM, có thể trong tuần này các cơ quan liên quan sẽ họp cho ý kiến về đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM”.

Ngoài việc kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới, hạn chế xe cá nhân, nhiều chuyên gia về quản lý đô thị và vận tải cho rằng, trong bối cảnh hoạt động của xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn, xe buýt chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì bàn về việc hạn chế xe cá nhân sẽ khó thuyết phục. Việc trước mắt, trong khi chờ metro, ngành chức năng nên tìm cách “đẩy” xe buýt lên. 

Hành khách đi xe buýt tuyến 19. Ảnh: CAO THĂNG


Tăng khả năng tiếp cận xe buýt

Cách nay chưa lâu, trong hội thảo “Làm gì để xe buýt trở thành phương tiện đi lại chính của người dân” do Báo SGGP, Sở QH-KT TPHCM, Sở GTVT TP, Viện Nghiên cứu phát triển TP đồng tổ chức, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa đặc biệt lưu ý tới một hiện tượng, đó là nhiều tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố tới khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và ngược lại, hoạt động rất hiệu quả cho dù cư dân ở khu đô thị sang và đẹp vào loại bậc nhất của thành phố không phải không có xe riêng, thậm chí là ô tô riêng. Tại sao vậy? GS-TS Nguyễn Trọng Hòa đặt vấn đề phải chăng là do người dân ở đây tiếp cận xe buýt rất dễ dàng, vỉa hè bằng phẳng, thông thoáng lại được che mát bởi những hàng cây rợp bóng... chẳng muốn đi bộ. Thế rồi, các trạm dừng sạch sẽ với đầy đủ các thông tin về chuyến đi. Xe buýt ở những tuyến này đa phần được đầu tư rất bài bản, luôn sạch sẽ nên ngay cả những người “có tiền” như cư dân ở đây cũng không ngại bước lên. Cũng có ý kiến phản biện phân tích của GS-TS Nguyễn Trọng Hòa rằng cư dân ở Phú Mỹ Hưng sử dụng xe buýt, chủ yếu là người nước ngoài. Họ đã quen với việc sử dụng xe buýt. Lãnh đạo một đơn vị xe buýt có xe hoạt động trên tuyến này và được vị này xác nhận, lượng khách của đơn vị khá đông, nguồn thu từ bán vé đủ để trang trải các chi phí của đơn vị. 

Không chỉ ở hội nghị mà phản ánh từ thực tế của nhiều đơn vị vận tải bằng xe buýt cũng ghi nhận điều này. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, cho biết, từ ngày đơn vị được một số trường đại học cho thuê mặt bằng làm nơi xe buýt đón khách (là sinh viên), lượng khách tăng lên rõ rệt. Ở các trục đường mà vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp cũng thường có khách đi nhiều hơn các tuyến khác. 

Giữ cho vỉa hè thông thoáng, mát mẻ để hấp dẫn người dân đi bộ, tăng khả năng tiếp cận của họ với xe buýt trong bối cảnh hiện nay của TPHCM, không dễ song không có nghĩa là không làm được. TPHCM đang thực hiện chương trình lập lại trật tự lòng, lề đường. Đây là điều kiện rất tốt để thành phố “nhấn” thêm bước nữa: cải tạo lại vỉa hè (ở những nơi bị xuống cấp), làm mới vỉa hè (ở những nơi chưa có) rồi trồng thêm cây xanh. Vỉa hè TPHCM hiện được giao về cho các quận, huyện với kỳ vọng “chính quyền địa phương sẽ quản lý tốt hơn”. Thế nhưng, mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập. Chỉ các quận “kinh tế khá” mới có điều kiện đầu tư làm mới vỉa hè còn các quận “kinh tế kém” hơn thì không. Hậu quả, rất nhiều vỉa hè ở TPHCM xuống cấp thậm chí nhiều tuyến đường còn không có vỉa hè. Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, từng đề nghị “gom” vỉa hè về cho Sở GT-VT TP thống nhất quản lý. Đây là ý kiến hợp lý bởi như vậy thành phố sẽ có điều kiện điều phối tốt hơn việc đầu tư, cải tạo vỉa hè. Việc giữ cho vỉa hè thông thoáng cũng đang gặp một điều kiện thuận lợi nữa, đó là ở nhiều khu phố đã lắp đặt camera an ninh. Camera này có thể ghi nhận cả hình ảnh lấn chiếm vỉa hè trái phép để ngành chức năng có cơ sở xử lý. 

Phương tiện cá nhân góp phần làm ùn tắc giao thông. Ảnh: THÀNH TRÍ


Xe buýt phải đảm bảo lộ trình

Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, đơn vị đảm nhiệm gần 50% lượng hành khách đi xe buýt của thành phố vừa báo cáo với HĐND TPHCM một tin gây “sốc”: 80% xe buýt của liên hiệp không đảm bảo lộ trình. Thời gian chậm trễ so với lịch trình trung bình gần 30 phút, thậm chí có thời điểm lên tới 1 giờ. Hậu quả là nhiều hành khách của liên hiệp là sinh viên các trường đại học trên khu Đại học Quốc gia ở Thủ Đức không dám đi xe buýt nữa vì sợ trễ học. Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, đã ghi nhận ý kiến của các đơn vị xe buýt và cho biết sẽ làm việc với các ban ngành có liên quan để sớm có cách giải quyết những vướng mắc đó.

Là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm của TPHCM về vận tải, thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GT-VT TPHCM, cho biết, xe buýt không đảm bảo lộ trình chủ yếu do bị kẹt trong “vòng vây” của xe cá nhân. Do vậy, kinh nghiệm giải quyết khó khăn này của nhiều thành phố trên thế giới là làm đường dành ưu tiên hoặc thậm chí dành riêng cho xe buýt. Cách nay khoảng 10 năm, TPHCM từng làm 4 làn ưu tiên cho xe buýt trên 4 tuyến đường và kết quả thu được thật khả quan. Hầu hết các chuyến xe buýt hoạt động trên 4 làn đường ưu tiên này, đặc biệt làn đường ưu tiên trên đường Trần Hưng Đạo luôn có số lượng hành khách vượt trội với nhiều tuyến xe buýt khác và chưa gây tai nạn giao thông. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, TPHCM đã cho ngưng hoạt động các làn đường này. Hiện, Sở GT-VT TP đang triển khai nghiên cứu làm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường: Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Đây là 2 tuyến đường xuyên tâm, huyết mạch của thành phố, có chiều rộng mặt đường tương đối lớn với 3 - 4 làn xe, nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM có thể dành 1 làn ưu tiên cho xe buýt. Tuy nhiên, Sở GT-VT TP vẫn đang cân nhắc bởi lưu lượng xe qua đây rất đông. Đánh giá về việc này, thạc sĩ Lê Trung Tính nói: “Muốn làm được, ngoài việc tính toán thật cẩn trọng, tuyên truyền vận động người dân hiểu và ủng hộ, đòi hỏi người chủ trì phải có bản lĩnh “dám làm, dám chịu”. Tôi đã từng làm việc với một thành phố ở Nam Mỹ - nơi tổ chức rất thành công mô hình đường ưu tiên cho xe buýt, ông thị trưởng ở đây đã chia sẻ “phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị” của mình vào việc này để có quyết tâm làm cho bằng được. Ở TPHCM, điều cần thiết cho việc ấy là sự quyết tâm, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị”. 

Giám đốc Sở GT-VT TP Bùi Xuân Cường khẳng định, sẽ nghiên cứu thực hiện các đề xuất về hạn chế xe cá nhân, khi nào chứng minh có đủ phương tiện giao thông công cộng phục vụ cho người dân. Khẳng định được điều này có nghĩa Sở GT-VT TP đã ý thức được trách nhiệm phải nhanh chóng “đẩy” xe buýt lên.

Theo đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TPHCM”, TPHCM sẽ từng bước triển khai thực hiện hạn chế lưu thông mô tô và xe gắn máy. Trước mắt là khu vực trung tâm gồm các quận: 1, 3, 5 và 10, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và sẽ phát triển mở rộng ra các khu vực lân cận. 

Cụ thể, từ nay đến năm 2020 hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Đường Pasteur (từ đường Lý Tự Trọng đến đường Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ đường Điện Biên Phủ đến đường Lý Tự Trọng) hạn chế xe máy từ 7 giờ đến 19 giờ. Từ năm 2021 đến 2025, hạn chế xe vào quận 1 được giới hạn bởi các tuyến đường như Võ Văn Kiệt - Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ. Năm 2026 - 2030, hạn chế tiến đến cấm xe máy vào khu vực trung tâm TP gồm các quận: 1, 3, 5, 10 được giới hạn bởi các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tư vấn lập đề án này đề xuất kiểm soát việc đậu ô tô trong khu vực trung tâm Sài Gòn, xây dựng khung giá dịch vụ giữ xe theo giờ và theo khu vực; hạn chế cấp phép giữ xe trên lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là khu vực trung tâm; tăng lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 9 chỗ; thu phí “ùn tắc giao thông” vào giờ cao điểm đối với ô tô... Trong thời gian xe máy bị hạn chế, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ giữ vai trò chủ lực cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… hình thành (theo quy hoạch đến năm 2030). Về giải pháp phát triển xe buýt, đơn vị lập đề án đề xuất đến năm 2020 xe buýt phải đáp ứng được 9% - 12,2% nhu cầu đi lại của người dân TP, đặc biệt khu vực trung tâm phải đáp ứng 25% - 30% nhu cầu đi lại của người dân. Để thực hiện điều này, thành phố cần phát triển thêm 55 - 120 tuyến xe buýt, nâng tổng số toàn mạng lưới lên 192 - 255 tuyến với khoảng 4.200 - 4.800 xe hoạt động.

Tin cùng chuyên mục