Cải thiện năng lực cạnh tranh

Hiện TPHCM vẫn được xếp trong tốp 10 tỉnh, thành có năng lực cạnh tranh cao nhất nước. Tuy nhiên, nếu tính từ năm 2014 đến nay, thứ hạng năng lực cạnh tranh của thành phố đã liên tục giảm, từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6 (năm 2015) và xếp vị trí thứ 8 (năm 2016). 
Điều này cho thấy, dù TPHCM đã có nhiều chủ trương, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Vì sao? 
Cải thiện năng lực cạnh tranh ảnh 1                                      Giải quyết hồ sơ tại Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ 
Còn nhũng nhiễu 
Nhìn vào thang bậc năng lực cạnh tranh của TPHCM cho thấy, thành phố đã từng có những bước đột phá trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Cụ thể, vào năm 2010, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố đứng thứ 23 trong cả nước. Nhưng đến năm 2011, chỉ số này đã tăng được 3 hạng, xếp thứ 20. Năm 2012, tiếp tục tăng lên 7 hạng, đứng thứ 13. Sang năm 2013, tăng tiếp lên 3 bậc, đứng thứ 10. Riêng năm 2014, chỉ số PCI của thành phố nhảy vọt 6 bậc, đứng thứ 4 cả nước. Tuy nhiên, cũng từ sau năm này, chỉ số PCI của thành phố mất đà tăng trưởng và liên tục giảm 2 bậc/năm, hiện đang đứng vị trí thứ 8. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đà giảm chỉ số PCI của TPHCM sẽ còn tiếp tục trong năm 2017. 
Phân tích nguyên nhân trên, ông Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết thứ hạng năng lực của thành phố sụt giảm đều hàng năm do các nhóm chỉ tiêu như: chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, thể chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo lao động và gia nhập thị trường chậm được cải thiện và có điểm đánh giá thấp. 
Thực tế cho thấy, tệ hành dân, làm khó doanh nghiệp (DN), tham nhũng, hối lộ, chi phí “bôi trơn”, chi phí không chính thức… gia tăng đang trở thành gánh nặng của người dân và DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN “sân sau” với DN khác thể hiện ở các lĩnh vực như tiếp cận đất đai, đơn đặt hàng mua sắm công, thủ tục hành chính… cộng với thái độ phục vụ kém của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước đã làm khó DN và người dân lao động. 
Khảo sát mới nhất về mức độ hài lòng của DN với chính quyền thành phố cho thấy, có đến 70,6% DN trả lời họ phải trả thêm các chi phí không chính thức; 64,21% DN bị nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính; 69,96% DN được hỏi cũng cho biết, lãnh đạo thành phố có chủ trương chính sách tốt nhưng không được thực hiện tốt ở cấp dưới. Niềm tin của DN vào khả năng bảo vệ pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng và khả năng giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế của tòa án còn thấp… Chưa kể, có gần 40% - 60% DN cho biết, DN hoặc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước được ưu ái và có nhiều thuận lợi hơn về thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận vốn và chính sách hỗ trợ đất đai… do có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống quản lý chính quyền. Còn DN tư nhân lại rất khó tiếp cận những ưu đãi liên quan đến các vấn đề trên.
Một yếu tố khác, hạ tầng giao thông đường bộ của TPHCM đã xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên địa bàn thành phố cũng khiến hiệu suất đầu tư, chất lượng dịch vụ của DN suy giảm nghiêm trọng. 
Đồng bộ các nhóm giải pháp
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yếu tố then chốt để TPHCM cải thiện được chỉ số PCI. Tuy nhiên, để có thể làm được vấn đề này, theo bà Hà Thị Thiều Giao, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, thành phố cần giải quyết đồng bộ 8 giải pháp. Cụ thể, về cơ chế chính sách, phải cải thiện được những chỉ tiêu thành phần đang có điểm thấp, nhất là liên quan đến cải cách thủ tục hành chính. Cần thiết phải ứng dụng cho được công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý để rút ngắn thời gian thủ tục hành chính cho DN và người dân. Quan trọng hơn, đồng bộ hóa cơ chế chính sách về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kết hợp có chính sách phù hợp nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. 
Về nguồn vốn, phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Trong đó, tập trung vốn ngân sách cho những dự án, công trình trọng điểm và minh bạch sử dụng nguồn vốn ngân sách để người dân tham gia đóng góp, giám sát các dự án đầu tư công. Song song đó, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng DN, dân cư. Riêng đối với DN nhà nước phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhưng cũng đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. 
Một nhóm giải pháp khác mà thành phố cần tính tới đó là phát triển thị trường các ngành hàng. Theo đó, thành phố phải xây dựng các vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp mở rộng kết hợp thực thi hiệu quả hệ thống quy chuẩn quốc gia về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng các dự báo thị trường, đưa ra được những cảnh báo cần thiết diễn biến thị trường trong và ngoài nước để DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, với những nhóm giải pháp như đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng, hỗ trợ DN đổi mới khoa học công nghệ và nguồn vốn - đang là thế mạnh của thành phố - cũng cần được nâng cao hơn nữa. 
Riêng TS Nguyễn Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh thêm: “Để tạo động lực cho DN phát triển, từng bước thay đổi chỉ số PCI theo hướng tích cực, thành phố phải tạo tâm lý an toàn cho DN trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tư vấn tiếp cận chính sách, bởi hiện nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng khả năng tiếp cận của các DN này vẫn còn rất hạn chế. Về quản lý thị trường, cần thắt chặt kỷ cương tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế… nhằm giảm rủi ro và tạo môi trường cạnh tranh bình bẳng cho DN”.

Tin cùng chuyên mục