Cần nhiều hơn gương người tốt việc tốt

Báo chí nước ta trong một thời gian dài thường được cho là thiếu những bài viết về các điển hình tiên tiến, về gương người tốt việc tốt. Có phải xã hội thiếu những tấm gương có sức thuyết phục? Hay việc xây dựng được một gương điển hình thường khó khăn, vất vả hơn viết các dạng bài khác? Hay người đọc không thích những bài viết về người tốt việc tốt?

Báo chí nước ta trong một thời gian dài thường được cho là thiếu những bài viết về các điển hình tiên tiến, về gương người tốt việc tốt. Có phải xã hội thiếu những tấm gương có sức thuyết phục? Hay việc xây dựng được một gương điển hình thường khó khăn, vất vả hơn viết các dạng bài khác? Hay người đọc không thích những bài viết về người tốt việc tốt?

Dĩ nhiên hoàn toàn không phải. Gương điển hình tiên tiến vẫn có rất nhiều trong xã hội. Những cá nhân nhặt được của rơi, tìm trả người đánh mất xuất hiện liên tục. Những gương hiến máu hàng chục lần hoặc vận động hàng trăm lượt người tham gia hiến máu có ở khắp nơi trong cả nước. Những nông dân sản xuất giỏi, có nhiều sáng kiến cải tạo giống, cải tiến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, làm trái vụ… vẫn có ở khắp nơi trên vườn dưới ruộng. Các điển hình công nhân tận tụy, có sáng kiến tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tăng năng suất… vẫn có ở bất kỳ nhà máy, xí nghiệp nào. Các gương điển hình tận lực làm công tác xã hội, không quản gian khó, bằng nhiều cách vẫn luôn mang đến sự giúp đỡ kịp thời cho đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn…

Rõ ràng, nếu trong xây dựng xã hội bằng cả “xây và chống”, cả bằng việc “trồng hoa thơm đẩy lùi cỏ dại” thì việc “xây” hay “trồng hoa thơm” luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Đó thường là những biện pháp mang tính nhân văn hơn, căn cơ hơn, thuyết phục hơn, có tính lan tỏa hơn. Vấn đề còn lại là bản thân các nhà báo “xây” hoặc “trồng” như thế nào, bằng hình thức gì, với chất liệu gì, để hình tượng thực sự đi vào lòng người, thực sự có ý nghĩa.

Trong khi một bộ phận các tờ báo, cả báo mạng lẫn báo in, chạy theo chuyện giật gân, câu khách, giật tít - câu view thì các cơ quan truyền thông khác càng cần giới thiệu nhiều gương người tốt việc tốt hơn. Việc làm này không chỉ để thể hiện trong xã hội hiện nay, cái tốt, cái đẹp, cái tích cực vẫn còn rất nhiều mà còn góp phần khẳng định rằng người làm báo chân chính không phải là người làm đậm cái ác, cái xấu, bôi đen xã hội mà là người nhân rộng lòng nhân ái, sự bao dung… ra toàn xã hội. Dù bằng thể loại gì, hình thức nào, các gương điển hình cũng cần được giới thiệu một cách chân thật, chính xác, thuyết phục, có ý nghĩa giáo dục cộng đồng. Phải tránh viết tốt lấy có, tô hồng quá đáng, đánh bóng tên tuổi nhằm mục đích không trong sáng, tránh vụ lợi không chính đáng… Những gương điển hình “nửa mùa” này thực tế đã làm người đọc nghi ngờ những điển hình khác và khiến nhiều người quay lưng lại với cái tốt, mất lòng tin ở cái tốt, cả ở các cá nhân khác được nêu gương lẫn người viết.

Rõ ràng, viết về người tốt việc tốt trước hết đòi hỏi người viết có cái nhìn tích cực về cuộc sống, rằng thực tế vẫn có rất nhiều điển hình tích cực, rằng người đọc cần được khơi gợi, động viên tình cảm và hành động tích cực từ các gương tích cực. Từ đó, nhà báo mới có thể xây dựng được hình tượng điển hình phù hợp và có ý nghĩa thực tế cao nhất, bằng sự trung thực và khách quan của người làm báo.

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục