Chế tài hành vi sử dụng pháo trái phép

Pháp luật nước ta có quy định thế nào để chế tài đối với việc cổ động viên đốt và bắn pháo sáng trên khán đài làm náo loạn trận đấu và khiến người khác bị thương?

Pháo sáng là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có các tác động gây phản ứng hóa học sẽ tạo hiệu ứng ánh sáng, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ. Pháo sáng được dùng làm công cụ báo tín hiệu trong trường hợp gặp nạn, chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, không được thiết kế để dùng ở chốn đông người vì có thể gây cháy hoặc làm bị thương những người xung quanh.

Theo Nghị định 36/2009/NĐ-CP (về quản lý, sử dụng pháo), pháo sáng không phải là loại pháo được phép sử dụng, vì tính chất nguy hiểm, khó dập tắt, gây phỏng cấp độ 4.

Hành vi đốt, bắn các loại pháo không được phép sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy vào tính chất của vụ việc. Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính), hành vi sử dụng các loại pháo không được phép sử dụng sẽ bị phạt tiền lên tới 2 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch 06/2008 (của liên ngành công an, tòa án, kiểm sát), hành vi sử dụng các loại pháo không được phép sử dụng ở nơi công cộng, nơi đang diễn ra các cuộc họp, nơi tập trung đông người; gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác, nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác…, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật Hình sự tương xứng với hậu quả do hành vi gây ra.

Ví dụ, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác đến mức phải xử lý hình sự thì vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Tin cùng chuyên mục