Luật hóa quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách

Sáng 16-6, Quốc hội họp toàn thể, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Luật hóa quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách

(SGGPO).- Sáng 16-6, Quốc hội họp toàn thể, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội, đã cụ thể hóa Hiến pháp mới thông qua các cơ quan trực thuộc, Đoàn ĐBQH và đặc biệt là địa vị pháp lý của ĐBQH.

Theo đó, đa số ý kiến tán thành với quy định số lượng ĐBQH không quá 500 người. Nhiều ý kiến tán thành nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để đáp ứng yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của Quốc hội, song với những mức độ khác nhau.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, số lượng ĐBQH quy định không quá 500 người là hợp lý. Vì nếu quy định “cứng” là 500 thì khi bầu cử nếu thiếu lại phải bầu bổ sung sẽ rất phức tạp. Riêng về ĐBQH chuyên trách, Dự thảo Luật quy định ít nhất là 35% là ít.

"Tôi đề nghị nâng lên ít nhất là 45% để có điều kiện tốt hơn đáp ứng được yêu cầu đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của QH", ông Tuyết đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: Lã Anh

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: Lã Anh

Cùng quan điểm cho rằng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách 35% là còn ít, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lập luận, tăng ĐBQH chuyên trách để có được khung thể chế tốt hơn chính là giải pháp cải cách thể chế hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.

Tuy nhiên, ông Cảnh và một số đại biểu cũng nhấn mạnh, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH chuyên trách để nâng cao chất lượng làm việc của ĐB.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất của ĐBQH chuyên trách phải được cụ thể hóa và phải cao hơn so với ĐB kiêm nhiệm, nếu không thì tăng số lượng cũng không nâng cao được chất lượng hoạt động mà còn phát sinh thêm chi phí tốn kém. 

Liên quan đến một chế định mới là Tổng Thư ký Quốc hội (đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đồng tình với dự thảo Luật, nhưng yêu cầu sửa đổi bổ sung quyền hạn của chức danh này cũng như nhiệm vụ của Đoàn Thư ký theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Về các cơ quan của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cơ cấu Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan trực thuộc Quốc hội thay vì trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.

Nhất trí với quy định về trưng cầu ý dân, song ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị cân nhắc quy định về vấn đề này trong Luật Tổ chức QH (sửa đổi) hay trong Luật Trưng cầu ý dân sắp sửa được xây dựng...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục