Huy động trí tuệ giới sử học để biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam

Huy động trí tuệ giới sử học để biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam

(SGGP).- Ngày 29-11, tại Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1966-2016). Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội KHLS Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích và đóng góp của Hội KHLS Việt Nam và giới sử học cả nước trong suốt chặng đường 50 năm qua.

Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, hội cần chú trọng tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Lịch sử đã diễn ra và tồn tại một cách khách quan, trách nhiệm hàng đầu của các nhà sử học là bằng một hệ thống lý thuyết và phương pháp tiếp cận khoa học, phục dựng lại những trang sử của quá khứ và đánh giá lịch sử một cách trung thực, khách quan nhất. Hội cần tập trung công sức, huy động trí tuệ của giới sử học để hoàn thành với chất lượng cao nhất nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam. Đây sẽ là một cống hiến to lớn của giới sử học đối với đất nước”.

Chủ tịch nước chỉ rõ: Hội cần chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không phải chỉ dành cho những nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học, mà cần thiết cho mọi người, mọi giới, bao gồm cả các nhà quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho thế hệ trẻ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục