Chờ đợi một giải pháp toàn châu Âu

Ngày 25-10, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các nước Balkans tiến hành cuộc họp thượng đỉnh hẹp về cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu trong bối cảnh 3 nước “tuyến đầu” này cảnh báo đóng cửa biên giới nếu các nước Bắc Âu ngừng tiếp nhận người di cư.
Chờ đợi một giải pháp toàn châu Âu

Ngày 25-10, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các nước Balkans tiến hành cuộc họp thượng đỉnh hẹp về cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu trong bối cảnh 3 nước “tuyến đầu” này cảnh báo đóng cửa biên giới nếu các nước Bắc Âu ngừng tiếp nhận người di cư.

Người di cư bị đùn đẩy

Cuộc họp này do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker triệu tập với sự tham gia của lãnh đạo 8 nước EU (gồm Áo, Bulgaria, Croatia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania và Slovenia) và lãnh đạo 2 nước vùng Balkans (Serbia và Macedonia) nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các nước trong vấn đề người di cư và bàn biện pháp đối phó với làn sóng hàng ngàn người di cư và tị nạn đang tiếp tục tràn vào châu Âu.

Người di cư đổ về các nước vùng Balkans

Theo Chủ tịch Juncker, mục tiêu cuộc họp của EU là “đưa ra một đề xuất chung và phải thực hiện ngay lập tức bởi tình trạng khẩn cấp đang xảy ra ở các nước dọc theo tuyến đường của người di cư, phía Tây Balkans”. Nhật báo Bild của Đức ngày 25-10 dẫn lời ông Juncker hối thúc các nước châu Âu ngừng đẩy người di cư sang các nước láng giềng trong hoàn cảnh hỗn loạn. Chỉ trong tuần qua, Slovenia - quốc gia nhỏ nhất EU chỉ có dân số 2 triệu người - lại trở thành một trong những khu vực trung chuyển mới của người người nhập cư khi có tới 56.000 người đi qua nước này. Kể từ sau khi Hungary đóng cửa biên giới, dòng người di cư đã sử dụng “con đường Balkans” để thay đổi lộ trình, di chuyển từ Hy Lạp tới Serbia, Croatia để sau đó tới Slovenia, trước khi vào lãnh thổ Áo và Đức. Tại khu vực biên giới Nga đã xuất hiện hàng trăm người di cư dùng xe đạp trẻ em làm phương tiện vượt biên giới vào EU sau khi giới chức Nga ban lệnh cấm đi bộ xâm nhập lãnh thổ nước này nhằm ngăn nạn nhập cư. Trong khi đó, theo luật pháp Na Uy, đi xe đạp vào lãnh thổ của họ cũng là bất hợp pháp nếu không có giấy tờ hợp lệ...

Balkans không muốn trở thành vùng đệm

Theo nhiều nguồn tin, hội nghị sẽ bàn về một dự thảo thỏa thuận gồm 16 biện pháp, theo đó 10 nước đến họp tại Brussels có thể sẽ ký cam kết không cho người nhập cư đi qua lãnh thổ nước mình để tới nước láng giềng mà không có thỏa thuận trước. Tuy nhiên, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic, ngày 24-10, tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ nghĩa vụ nào dành cho Croatia tại hội nghị này vì các nghĩa vụ hoàn toàn không thực tế. Cùng với Croatia, Bulgaria, Romania và Serbia cũng cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới, như Hungary trước đó, nếu Đức và các nước Bắc Âu ngừng tiếp nhận người di cư. Các nước này muốn có “một giải pháp toàn châu Âu” để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, song quyết sẽ không trở thành “vùng đệm” cho hàng chục ngàn người di cư bị mắc kẹt.

Trước khi cuộc họp diễn ra, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy bày tỏ nghi ngờ về tính hữu ích của cuộc họp thượng đỉnh bất thường lần này bởi chỉ có 8 nhà lãnh đạo các nước EU nhóm họp với 2 lãnh đạo không phải là thành viên EU trong khi tất cả mọi quyết định phải được toàn bộ 28 thành viên EU thông qua. Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nhận định: “Chỉ có cách tiếp cận chung trên quy mô châu Âu và giữa các nước, đồng thời dựa trên sự hợp tác, mới có thể mang lại hiệu quả”. Sputniknews ngày 25-10 dẫn lời Thủ tướng Áo Werner Faymann cảnh báo rằng, việc hàng ngàn người di cư không có giấy tờ liên tục tràn vào các nước châu Âu, kéo theo những vấn đề căng thẳng trong khu vực hiện nay rất có thể khiến EU “sụp đổ”. Theo ông Werner Faymann, việc đảm bảo các đường biên giới bên ngoài EU là quan trọng, nhưng việc xây dựng những bức tường trên biên giới của các quốc gia EU - ngay cả với các nước láng giềng trong khu vực Schengen không biên giới của EU - sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Nếu không thống nhất được một giải pháp chung cho toàn khu vực châu Âu, chúng ta chắc chắn sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ lặng lẽ của Liên minh châu Âu.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục