Chuẩn bị tâm thế trước thời đại số

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ lãnh ấn tiên phong triển khai thử nghiệm mạng lưới viễn thông của “kỷ nguyên thời đại mới” - tần số 5G - từ năm 2019, để đến năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.

Đó là kỳ vọng mà Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại tọa đàm về Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông, diễn ra ngày 14-11. Đó cũng là cơ hội, mục tiêu để Việt Nam cải thiện thứ hạng trên bản đồ thế giới và nhanh chóng bước vào thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

15 năm trước, dù chậm hơn thế giới 3 năm khi triển khai 2G, Việt Nam vẫn lọt vào tốp 20 thế giới về cải cách hệ thống hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển xã hội. Tuy nhiên, chúng ta lại dần đuối sức sau bước chạy đà hoàn hảo đó. Năm 2000 xuất hiện công nghệ 3G, nhưng phải 10 năm sau (2010), 3 nhà mạng lớn nhất là MobiFone, VinaPhone, Viettel mới khai trương mạng này. Năm 2010, 4G xuất hiện, chúng ta lại chuyển bộ chậm chạp, cho đến 2017 các nhà mạng mới khai trương và thực tế ứng dụng 4G hiện vẫn chưa rõ nét.

Bởi vậy, vị trí xếp hạng của viễn thông Việt Nam ngày càng tụt hậu, nguyên nhân chủ yếu là sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới. Về mật độ thuê bao di động băng thông rộng, năm 2017, ITU xếp hạng Việt Nam đứng hạng 115/193 - tức đứng dưới mức trung bình thế giới.

CMCN 4.0 sẽ tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo. Thế giới thực, thế giới số và thế giới hữu cơ sẽ có sự liên kết khắng khít, thể hiện qua sự có mặt của công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot, xe tự lái, máy in 3D, vật liệu mới... Và để có sự kết nối giữa thực - ảo đó, phải có công nghệ 5G. Khi 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Kết nối vạn vật (IoT) sẽ không chỉ dựa trên mạng điện thoại di động đơn thuần như ngày nay mà đòi hỏi một mạng lưới kết nối được đầu tư hoàn toàn khác.

“Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G phải lớn hơn rất nhiều so với công nghệ trước đó. Việc dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với hạ tầng điện nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội. 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam. Nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới, thiết bị đầu cuối sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra kỳ vọng và định hướng phát triển cho các doanh nghiệp Việt. Ông cũng đặt mục tiêu về chuyển đổi số, để các nhà mạng phải là những công ty đầu tiên thực hiện chuyển đổi số triệt để, là những đơn vị ứng dụng đầu tiên hiệu quả các công nghệ AI, Big Data, IoT… nhằm tạo ra sự thay đổi lớn trong các ngành, lĩnh vực.

Một định hướng rõ ràng phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay là đầu tư cho IoT, bao gồm công nghệ nền tảng, platform và ứng dụng. IoT thật sự là một ngành công nghiệp có tương lai sáng sủa, đi đầu là công nghiệp sản xuất cảm biến (sensor). Theo dự báo của công ty nghiên cứu Rand Europe (Anh) đến năm 2020, IoT sẽ mang lại doanh thu 1.400 - 14.400 tỷ USD cho các ngành trên thế giới. Dự báo, IoT trong quy mô thị trường sản xuất dự kiến tăng từ 12,67 tỷ USD năm 2017 lên 45,30 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 29%, giai đoạn 2017-2022. Bởi vậy, từ chủ trương của Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông khích lệ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nghiên cứu sản xuất các thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối để có thể mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị “Made in Vietnam”.

Công nghệ 5G đang được nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới nhìn nhận là xương sống của cuộc CMCN 4.0. Đó sẽ là phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành ưu thế trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên 5G thật sự là “bài toán lớn và rất khó” đòi hỏi nhiều ngành, nhiều cấp của Việt Nam cùng xắn tay vào cuộc. Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Bộ Chính trị đã giao cho ban cùng phối hợp với các ban, bộ ngành xây dựng Đề án quốc gia về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào quý 4-2018.

Chúng ta đã tự hào có đội ngũ nhân lực trẻ, tiếp cận nhanh với công nghệ; số lượng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển hàng đầu thế giới… nhưng nền tảng để tạo đà phát triển thì quá lạc hậu với hạ tầng mạng, cơ sở dữ liệu chưa được đầu tư đúng mức. Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho CMCN 4.0, việc định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên 5G sẽ là động lực quan trọng góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh cuộc “cách mạng về chính sách” của Chính phủ nhằm tạo đường cho công nghệ phát triển, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu cũng phải vào cuộc, đóng vai trò đầu tàu để kéo hàng ngàn doanh nghiệp khác tham gia chuỗi cung ứng sản xuất.

Tin cùng chuyên mục