Chuyên nghiệp hóa dịch vụ


Làn sóng đầu tư mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một tín hiệu tốt. Điều này sẽ giúp thị trường bán lẻ của Việt Nam sôi động hơn, phát triển mạnh, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. 
Doanh nghiệp nội cần liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm giữ thị phần nội địa
Doanh nghiệp nội cần liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm giữ thị phần nội địa
Từ đó, các mô hình và loại hình bán lẻ tại thị trường Việt Nam sẽ hoàn thiện hơn. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận và tiếp thị hàng hóa của mình nhanh hơn. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tạo sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp nội nói chung. Yếu tố cạnh tranh và sức ép không chỉ tồn tại ở thị trường bán lẻ mà bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có sức ép, áp lực riêng. Do vậy, doanh nghiệp nội cần ý thức rõ và có những bước chuẩn bị cần thiết để đáp ứng tốt nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa nhằm tạo vị thế cạnh tranh riêng. Đơn cử như đổi mới bộ nhận diện thương hiệu, đa dạng hóa mô hình bán lẻ, hiện đại hóa không gian mua sắm, đa dạng hóa sản phẩm - hàng hóa, chuyên nghiệp hóa dịch vụ, nâng tiêu chuẩn hàng hóa đầu vào, phát triển nhanh mạng lưới… sẽ giúp nhà bán lẻ trong nước  “ghi điểm” và ngày càng thu hút người tiêu dùng trong nước.
 Có thể thấy, năm 2018 nói riêng và cả những năm tiếp theo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp ngoại và nội. Các nhà bán lẻ nội và ngoại đều có những hoạt động tích cực. Trong đó, các địa phương năng động như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn là những trung tâm kinh tế thu hút đầu tư phát triển bán lẻ thuộc hàng sôi động nhất của cả nước. Theo quan sát, thị trường bán lẻ đang có xu hướng vừa củng cố nội thành vừa phát triển mở rộng ngoại thành theo tốc độ phát triển dân số và nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng.
Thực tế này sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với khối nội khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài (hầu hết đều có thương hiệu, bề dày kinh nghiệm và nguồn lực tài chính mạnh) ồ ạt chọn thành phố lớn là điểm xâm nhập đầu tiên. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng nếu biết tận dụng các yếu tố “sân nhà” để phát triển mạng lưới, xây dựng tính chuyên nghiệp từ khâu phân phối, chuỗi cung ứng, khả năng quản trị, chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng, đa dạng hóa mô hình bán lẻ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Không dừng lại đó, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ tại thị trường nội phải có ý thức nỗ lực liên kết để tạo thế mạnh tổng hợp. Kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các vấn đề về giá, chủ động nguồn hàng và ngày càng đa dạng các mặt hàng; thực hiện tốt chế độ khuyến mãi, hậu mãi… thì chắc chắn sẽ trụ vững. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ cũng nên biết tận dụng các điều khoản cam kết có lợi trong hàng loạt hiệp định thương mại, cam kết khu vực mậu dịch tự do ASEAN cùng các cam kết đa phương đã và đang đến thời hiệu thực thi để đẩy mạnh xuất khẩu ngược hàng hóa trong nước nói chung và TPHCM nói riêng ra các nước trong khu vực, nâng cao sức tiêu thụ hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục