Ngành bán lẻ tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Hưởng ứng Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trong tình hình mới, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã phối hợp với Sở Công thương và Sở An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức chương trình “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM và Saigon Co.op kiểm tra chất lượng hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart
Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM và Saigon Co.op kiểm tra chất lượng hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart

Nâng cao công tác kiểm soát

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op với 800 điểm bán đã và đang là hệ thống phân phối bán lẻ thuần Việt lâu đời lớn nhất tại Việt Nam. Trung bình mỗi ngày, hệ thống phục vụ nhu cầu mua sắm của hơn 1 triệu lượt khách hàng. Do vậy, việc đảm bảo ATVSTP là rất quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, Saigon Co.op luôn chú trọng đến chất lượng hàng hóa và duy trì thực hiện kiểm soát chất lượng thông qua 3 công đoạn chính. Một là tập trung kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào thông qua xây dựng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kiểm soát, đánh giá trực tiếp tại nơi sản xuất; kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa tại các kho trung tâm của Saigon Co.op thông qua việc xây dựng phòng thí nghiệm thực phẩm tại kho tập kết ở Bình Dương với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp. Hai là thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa tại các địa điểm bán nhằm đánh giá sự cam kết của nhà cung cấp liên quan đến chất lượng hàng hóa cũng như rà soát, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh về chất lượng; không ngừng cải tiến, cập nhật yêu cầu, quy định, trang thiết bị, công cụ vận chuyển, bảo quản, trưng bày kinh doanh… đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Ba là thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ tổ chức các chương trình phổ biến, cập nhật kiến thức đến toàn thể cán bộ nhân viên và nhà cung cấp về việc quản lý, thực thi quy định pháp luật về ATVSTP như đào tạo, hướng dẫn về thủ tục tự công bố, đăng ký công bố sản phẩm và ghi nhãn sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Hiện các nhà cung cấp của Saigon Co.op đã đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP có năng lực sản xuất và mong muốn gắn bó lâu dài. Saigon Co.op sẽ kết hợp cùng xây dựng các vùng nguyên liệu đặc thù, phù hợp theo nhu cầu kinh doanh và phát triển của đơn vị. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, chia sẻ, sản phẩm của công ty chủ yếu là nước uống không có ga. Để đáp ứng tiêu chuẩn nhà cung cấp hàng cho hệ thống Saigon Co.op, sản phẩm của công ty không những đạt chứng nhận tiêu chuẩn ATVSTP trong nước mà còn đạt tiêu chuẩn toàn cầu để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Bắt tay xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng quản lý chất lượng thực phẩm, Sở An toàn Thực phẩm TPHCM, đánh giá, thời gian qua, Saigon Co.op đã có những chính sách về kiểm soát chất lượng, nỗ lực trong xây dựng và cung ứng sản phẩm trên thị trường thành phố. Hiện đã có 219 siêu thị, cửa hàng Coop Food thuộc Saigon Co.op được Ban quản lý dự án “Chuỗi thực phẩm an toàn” của thành phố cấp chứng nhận kinh doanh sản phẩm chuỗi với sản lượng rất lớn. Thời gian tới, Sở An toàn thực phẩm phối hợp cùng Saigon Co.op duy trì và hoàn thiện hơn hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm, phân phối, xây dựng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển ngành thực phẩm Việt Nam.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong nước, ông Lê Trường Sơn cho biết, Saigon Co.op thực hiện ký kết hợp tác cùng SAFEGRO thuộc Chính phủ Canada và Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nhân viên Saigon Co.op và nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đang sản xuất và kinh doanh trong hệ thống. Bên cạnh đó, phối hợp cùng Sở An toàn thực phẩm TPHCM hướng dẫn quy định và nguyên tắc kiểm soát điều kiện bảo đảm ATVSTP tại hệ thống bán lẻ, hướng dẫn phương pháp xây dựng hồ sơ tự công bố, xác định chỉ tiêu kiểm nghiệm, nhãn hàng hóa phù hợp. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật TPHCM cũng hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mã số vùng trồng kết hợp nâng cao kỹ năng về kiểm soát ATVSTP.

“Có thể thấy, ngành lương thực, thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và đang đứng trước yêu cầu đổi mới để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang thay đổi trong cách thức quản trị, sản xuất và phân phối để hướng tới phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp (bao gồm hệ thống phân phối và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và đồ uống...) phân phối, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh, sạch, có nhãn xanh được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả toàn cầu”, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục