Cơ chế đặc thù phải khả thi, tạo được đồng thuận của nhân dân

Chiều 9-3, Thường trực HĐND TPHCM đã tổ chức cuộc họp nghe các đồng chí nguyên lãnh đạo TPHCM góp ý các chương trình, đề án của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. 
Chủ trì cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, bày tỏ việc lắng nghe các ý kiến góp ý sẽ giúp HĐND TP có những thảo luận, thông qua các tờ trình, đề xuất của UBND TPHCM được chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, tạo được sự đồng thuận của nhân dân và tạo sự phát triển nhanh, bền vững đối với TPHCM.
Tại buổi họp, các đại biểu đã có những góp ý cụ thể đối với các đề án, nội dung về triển khai thực hiện Nghị quyết 54.
Theo đó, đồng chí Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐND TP, đánh giá đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP chưa định lượng cụ thể. Do đó, đề án này cần phải điều chỉnh theo hướng xác định cụ thể số lượng chuyên gia, lao động trẻ muốn thu hút.
Đi liền đó là khảo sát nguồn thu hút và tính toán mức thu nhập cụ thể. Tương tự, đồng chí Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cũng đề nghị cần làm rõ mục đích yêu cầu của đề án thu hút nhân tài. Đồng thời, TPHCM cần phát huy đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ của TP thực hiện vừa qua và tổ chức khảo sát đội ngũ này để bồi dưỡng và có chính sách tăng lương, thưởng đối với họ.
Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, kiến nghị TPHCM cần tập trung làm một số thí điểm từ cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, TPHCM cần xây dựng, thực hiện thí điểm cơ chế chính sách chính quyền đô thị 2 cấp là chính quyền TP và một đơn vị cấp cơ sở trong tương lai; chính quyền TP với một đô thị vệ tinh.
Kế đến, TPHCM cần tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng vài ngàn nhà ở xã hội cho nhân dân. Chính quyền TP cũng cần kiên quyết điều chỉnh cân đối giữa đầu tư cơ sở vật chất và đầu tư cho con người, giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật với kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở cho người có thu nhập thấp, trường học, bệnh viện.
“Bằng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và phí, TPHCM phải có giải pháp hạn chế tối đa gia tăng những vấn nạn, khó khăn cho nhân dân TP”, đồng chí Phạm Chánh Trực nhấn mạnh.
Ngoài ra, với những thuận lợi về cơ chế, chính sách đất đai, chủ động ngân sách, TPHCM cần thí điểm tái cấu trúc nền công nghiệp trên toàn địa bàn, thuộc mọi thành phần kinh tế, với một số lượng doanh nghiệp hạn chế của những ngành công nghiệp chủ yếu nhất.
Bày tỏ sự quan tâm đến đề án phân cấp, ủy quyền, đồng chí Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của việc phân cấp, ủy quyền là nhằm hợp lý hóa công việc của bộ máy hành chính, giảm nhũng nhiễu, giúp người dân giảm chi phí và thời gian hoàn tất thủ tục hành chính… Do đó, nếu cấp dưới làm tốt hơn, hiệu quả hơn thì mạnh dạn thực hiện. Song song đó là tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm nhằm đảm bảo sự xuyên suốt, thống nhất và kiểm soát được quá trình vận hành của toàn bộ hệ thống sau khi được phân cấp, ủy quyền. Để đảm bảo cho quá trình triển khai được căn cơ, chặt chẽ và hiệu quả, đồng chí Nguyễn Thành Tài đề xuất tham khảo, trao đổi ý kiến các cơ quan, đơn vị được ủy quyền về nội dung, mức độ cũng như cách thức ủy quyền và thực hiện thí điểm từng bước. 

Tin cùng chuyên mục