Cơ hội còn bỏ ngỏ

Ngày 12-6 vừa qua, tròn 1 năm cuộc hội kiến lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore, từ đó dấy lên nhiều hy vọng về viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng giờ đây, rất nhiều chuyên gia nhận định vấn đề hạt nhân Triều Tiên gần như rơi vào ngõ cụt cho dù lãnh đạo hai bên vẫn tiếp tục gửi đi một số tín hiệu cổ vũ cho việc duy trì đối thoại.

Một năm trước, bức hình Tổng thống Donald Trump nồng nhiệt bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được truyền thông đăng tải rộng rãi, như một dấu hiệu đầy lạc quan mở đầu cho tiến trình đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Một bộ phận công luận quốc tế trông đợi một hiệp định hòa bình sẽ chính thức được ký kết, 70 năm sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Để rồi với các đàm phán tiếp theo đó, Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận từ bỏ hệ thống vũ khí hạt nhân, đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, sau một số dấu hiệu hòa giải khá ngoạn mục, kịch bản phi hạt nhân hóa đã không khởi sự. Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào cuối tháng 2-2019, rốt cuộc đã đổ vỡ.

Sau đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu gia tăng căng thẳng trở lại với việc Triều Tiên 2 lần phóng thử tên lửa chỉ trong vòng một tuần hồi đầu tháng 5 - động thái được coi là phản ứng của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán bế tắc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn có hiệu lực. Các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được giới phân tích nhìn nhận là nhằm gia tăng áp lực nhằm buộc Mỹ phải nhượng bộ hơn trong các cuộc đàm phán sau này và Washington phải xem xét lại cách tiếp cận với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cho đến nay, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bất đồng quan điểm về các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì Bình Nhưỡng kiên quyết thực hiện việc phi hạt nhân hóa theo từng bước và đổi lại, Washington phải dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt nhằm giảm bớt tình hình khó khăn trong đời sống của người dân nước này.

Bất chấp tiến trình đàm phán hạt nhân ngưng lại, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên vẫn nhiều lần khẳng định muốn gặp nhau lần thứ 3. Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 3 gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2019. Cả hai bên đã tiến gần tới một thỏa thuận nên giờ họ sẽ không bỏ cuộc”. Theo ông Kazianis, do Tổng thống Trump đang tìm cách tái cử, nên ông muốn gặt hái được những thành tích về đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình để tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, ông Kim Jong-un cũng có thể có lý do riêng khi muốn tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3. Frank Aum, chuyên gia tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng: “Ông Trump muốn có một chiến thắng về đối ngoại, còn ông Kim Jong-un cần được nới lỏng các biện pháp trừng phạt”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm tư vấn Eurasia Group, có rất ít khả năng (xác suất 10%) thượng đỉnh lần 3 sẽ diễn ra trong năm nay. Điều cơ bản đối với 2 ông Donald Trump và Kim Jong-un hiện nay có lẽ là cố gắng duy trì đối thoại, cho dù ở mức tối thiểu, để liên hệ song phương không hoàn toàn bị cắt đứt.

Tin cùng chuyên mục